Các hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức là những cá nhân được nhà nước trao quyền trong khi thực thi công vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật thì phải bị xử lý theo các hình thức kỷ luật.

 

Luật cán bộ, công chức 2008 (Luật CBCC) quy định về các hình thức kỷ luật được áp dụng để xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, công chức như sau:

Đối với Cán bộ

Cán bộ được hiểu là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Cán bộ khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý theo 01 trong 04 hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm quy định tại Điều 78 Luật CBCC

  • Khiển trách là hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ có hành vi vi phạm kỷ luật lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;
  • Cảnh cáo được áp dụng đối với cán bộ trong truờng hợp đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng khuyết điểm có tính chất thường xuyên hoặc tuy mới vi phạm lần đầu nhưng có tính chất tương đối nghiêm trọng;
  • Cách chức là hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Và hình thức kỷ luật này chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ;
  • Bãi nhiệm là việc cán bộ không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ. Bãi nhiệm được xem là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất và chỉ áp dụng đối với cán bộ.

Hình ảnh minh họa

Đối với Công chức

Theo quy định tại Luật CBCC: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật

Điều 79 Luật CBCC quy định có 06 hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan

  • Hình thức khiển tráchcảnh cáo đối với công chức được áp dụng như hình thức khiển trách và cảnh cáo đối với cán bộ;
  • Hạ bậc lương là hình thức kỷ luật chỉ áp dụng với công chức khi có các hành vi vi phạm pháp luật sau:
    • Không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
    • Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi;
    • Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
  • Giáng chức là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn. Hình thức kỷ luật này áp dụng cho công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý khi có các hành vi vi phạm như sau:
    • Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
    • Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật;
  •  Cách chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Các trường hợp công chức bị cắt chức như:
    • Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
    • Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;
    • Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
    • Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
  • Buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với công chức và chỉ áp dụng đối với công chức. Công chức bị áp dụng hình thức kỷ luật này khi có một trong những hành vi vi phạm sau:
    • Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;
    • Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
    • Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
    • Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp;
    • Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.

Xem chi tiết trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ,công chức tại Nghị định 35/2005/NĐ-CP, Nghị định 34/2011/NĐ-CP.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

26268 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;