Các hành vi tổ chức hành nghề công chứng không được thực hiện từ 01/7/2025 quy định như thế nào?
Ngày 26/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Công chứng 2024, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.
- Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển về lĩnh vực công chứng; hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng; xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo quy định của Chính phủ.
(Điều 19 Luật Công chứng 2024)
Các hành vi tổ chức hành nghề công chứng không được thực hiện từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Luật Công chứng 2024, các hành vi nghiêm cấm tổ chức hành nghề công chứng thực hiện quy định như sau:
- Thực hiện các hành vi quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, i và l khoản 1 Điều 9 Luật Công chứng 2024;
- Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng;
- Cho người không đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc công chứng viên đang bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng, chứng thực tại tổ chức mình;
- Cho công chứng viên thực hiện việc công chứng, chứng thực tại tổ chức mình khi tổ chức hành nghề công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập.
Mức xử phạt vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng
Căn cứ Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, quy định hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, đơn cử một số nội dung như sau:
* Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không đăng ký hoạt động theo quy định;
- Không đăng ký nội dung thay đổi về tên gọi của văn phòng công chứng hoặc họ tên trưởng văn phòng công chứng hoặc địa chỉ trụ sở hoặc danh sách công chứng viên hợp danh hoặc danh sách công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng của văn phòng công chứng;
- Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng hoặc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài hoạt động công chứng đã đăng ký hoặc hoạt động không đúng nội dung đã đăng ký;
- Không thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc; không trả lại di chúc và phí lưu giữ di chúc trong trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được với người lập di chúc trước khi tổ chức hành nghề công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể;
- Không đăng ký hành nghề cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định;
- Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình;
- Không niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản trước khi thực hiện việc công chứng;
- Không thông báo để xóa đăng ký hành nghề đối với công chứng viên không còn làm việc tại tổ chức mình;
- Không lưu trữ hồ sơ công chứng;
- Làm mất di chúc đã nhận lưu giữ, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng;
- Làm mất hồ sơ công chứng, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng;
- Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng, người môi giới.
* Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không phải là tổ chức hành nghề công chứng mà hoạt động công chứng dưới bất kỳ hình thức nào;
- Cho công chứng viên không đủ điều kiện hành nghề hoặc người không phải là công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình.
- Không vào sổ công chứng đối với hồ sơ đã được công chứng.
Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Phạm Thùy Dương
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |