Các hành vi cấm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh

Tôi muốn biết khi đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh thì bị cấm thực hiện các hành nào? - Quang Hùng (Đà Nẵng)

Các hành vi cấm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh

Các hành vi cấm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh (Hình từ Internet)

Ngày 08/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2022/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí dân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

1. Đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh là gì?

Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 101/2022/NĐ-CP, đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn từ đầu tư, sản xuất đến cung ứng quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Cụ thể, quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh bao gồm:

- Quân trang

+Quân hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và trang phục quy định tại Nghị định 82/2016/NĐ-CP;

+ Công an hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và trang phục quy định tại Nghị định 160/2007/NĐ-CPNghị định 29/2016/NĐ-CP;

+ Cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cảnh phục, lễ phục, cờ hiệu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam quy định tại Nghị định 61/2019/NĐ-CP;

+ Trang phục, sao mũ, phù hiệu của dân quân tự vệ quy định tại Nghị định 72/2020/NĐ-CP.

- Quân dụng là trang thiết bị, dụng cụ (trừ các loại quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 101/2022/NĐ-CP) được chế tạo, sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế và công năng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định để phục vụ cho các hoạt động thường xuyên, huấn luyện, dã ngoại, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Các hành vi cấm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh

Cụ thể tại Điều 5 Nghị định 101/2022/NĐ-CP, các hành vi cấm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh bao gồm:

- Lợi dụng hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh để xâm hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

- Đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh khi:

+ Không được cấp có thẩm quyền đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ hoặc lựa chọn qua thủ tục đấu thầu;

+ Sản xuất quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật quá số lượng quy định trong hợp đồng, đơn đặt hàng, văn bản giao nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền;

+ Không đáp ứng đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại Nghị định 101/2022/NĐ-CP và pháp luật có liên quan hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.

- Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về bảo mật thông tin dưới mọi hình thức, gồm:

+ Thông tin trong hợp đồng, đơn đặt hàng, văn bản giao nhiệm vụ, hồ sơ đấu thầu và các văn bản liên quan trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí dân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;

+ Thông tin liên quan đến tính năng kỹ thuật, chiến thuật, tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

- Chuyển giao sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm chưa hoàn chỉnh, sản phẩm mẫu, sản phẩm chế thử, sản phẩm bị lỗi, hư hỏng, kém chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh quân trang, quân dụng, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí quân dụng,...

- Cung cấp các văn bản không đúng với thực tế nhằm đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

- Cản trở hoặc không chấp hành công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở, gây phiền hà, xâm phạm quyền tự do đầu tư kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp; bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người có liên quan đến đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng,...

Xem thêm tại Nghị định 101/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 30/01/2023.

Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

646 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
Liên quan Bài viết
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;