Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật từ 01/01/2025 là nội dung được quy định trong Nghị định 142/2024/NĐ-CP.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 30/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 142/2024/NĐ-CP quy định về quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật từ 01/01/2025 được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 142/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Xâm phạm, phá hủy cơ sở vật chất và các phương tiện, trang thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
- Nhập kho vật chứng và tài liệu, đồ vật đối với những vật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 142/2024/NĐ-CP.
- Mang vật chứng, tài liệu, đồ vật ra khỏi kho vật chứng, tài liệu, đồ vật mà không được phép của cơ quan, người có thẩm quyền ra lệnh hoặc quyết định nhập, xuất vật chứng, tài liệu, đồ vật và cơ quan, người có thẩm quyền quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, thêm, bớt, sửa đổi, làm mất mát, hư hỏng, hủy hoại, phá hủy niêm phong và có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng vật chứng, tài liệu, đồ vật.
- Sử dụng kho vật chứng và tài liệu, đồ vật vào mục đích khác.
- Người, phương tiện không có nhiệm vụ vào kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.
- Hệ thống kho vật chứng và tài liệu, đồ vật của Công an nhân dân gồm:
+ Kho vật chứng và tài liệu, đồ vật Bộ Công an;
+ Kho vật chứng và tài liệu, đồ vật của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là kho vật chứng và tài liệu, đồ vật Công an cấp tỉnh);
+ Kho vật chứng và tài liệu, đồ vật của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là kho vật chứng và tài liệu, đồ vật Công an cấp huyện).
- Bộ trưởng Bộ Công an quy định hệ thống kho vật chứng và tài liệu, đồ vật của Công an nhân dân để tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân, Viện kiểm sát và cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư.
(Theo Điều 6 Nghị định 142/2024/NĐ-CP)
Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 142/2024/NĐ-CP như sau:
- Kinh phí bảo đảm phục vụ quản lý vật chứng, tài liệu, đồ vật gồm:
+ Chi phí xây dựng, mở rộng, nâng cấp, sửa chữa kho vật chứng và tài liệu, đồ vật;
+ Chi phí mua sắm, vận hành trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ bảo quản; bảo đảm an toàn kho vật chứng và tài liệu, đồ vật;
+ Chi phí quản lý, nhập, xuất, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật; di chuyển vật chứng, tài liệu, đồ vật; thuê kho, lán kho, kho bãi để bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật.
- Kinh phí bảo đảm phục vụ quản lý vật chứng, tài liệu, đồ vật của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Đầu tư công 2019 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Xem thêm Nghị định 142/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, thay thế Nghị định 18/2002/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng; Nghị định 70/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định 18/2002/NĐ-CP.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |