Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 05/2011/TT-TTCP Quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành thanh tra do Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 10/01/2011.
Các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong quản lý tài chính, tài sản (Ảnh minh họa)
Theo đó, tại Thông tư 05/2011/TT-TTCP quy định về phòng, chống tham nhũng trong quản lý tài chính, tài sản như sau:
1. Công khai tài chính, tài sản trong cơ quan, đơn vị
Các đơn vị, tổ chức, các đoàn, tổ công tác trong cơ quan thanh tra nhà nước phải công khai theo quy định của pháp luật nội dung sau:
Chính sách quản lý tài chính, chế độ, định mức, tiêu chuẩn do Nhà nước quy định; quy chế quản lý, chế độ, định mức, tiêu chuẩn sử dụng nguồn kinh phí, tài sản của cơ quan, đơn vị.
Kế hoạch tài chính, dự toán, quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính hằng năm.
Tổng mức đầu tư, tổng dự toán, kế hoạch vốn đầu tư, báo cáo đầu tư, quyết toán vốn đầu tư, mua sắm.
Báo cáo thu, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp, hỗ trợ, viện trợ của tổ chức, cá nhân (nếu có).
Danh mục tài sản hiện có theo các nguồn hình thành; báo cáo sử dụng, báo cáo thanh lý các loại tài sản.
2. Thực hiện quy định quản lý tài chính, tài sản
Các đơn vị, tổ chức, đoàn, tổ công tác trong cơ quan thanh tra nhà nước phải thực hiện đúng, đủ, kịp thời:
Chế độ, tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định.
Quy chế quản lý tài chính, tài sản của cơ quan, đơn vị.
Chế độ kế toán, thống kê, thanh tra, kiểm toán.
Chế độ công khai tài chính.
3. Chế độ kiểm tra, giám sát
- Quy chế quản lý tài chính, tài sản của cơ quan, đơn vị phải được xây dựng công khai, minh bạch, dân chủ trong cơ quan, đơn vị.
- Báo cáo quyết toán vốn, kinh phí hàng năm; quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, báo cáo sử dụng vốn hỗ trợ, viện trợ phải được kiểm toán; báo cáo quyết toán, báo cáo kiểm toán phải công khai trong cơ quan, đơn vị.
- Thanh tra nhân dân phải giám sát thường xuyên; người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước định kỳ tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định quản lý tài chính, tài sản, chế độ thống kê, kế toán, kiểm toán, quy định công khai tài chính; báo cáo giám sát, kết luận thanh tra phải được công khai trong cơ quan, đơn vị.
4. Nghiêm cấm thực hiện hành vi sau đây:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý tài chính, tài sản, bao gồm:
Quy định các khoản thu, lập, sử dụng quỹ trái pháp luật.
Thực hiện không đúng chế độ kế toán, thống kê.
Thu, chi, mua sắm, sử dụng sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước.
Lợi dụng phân bổ, cấp phát vốn, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, kiểm tra, thanh toán, quyết toán để vụ lợi.
Gian dối trong lập hồ sơ thanh toán, quyết toán sử dụng kinh phí, mua sắm tài sản, vật tư, chi phí công tác, chi phí đề tài, đề án, dự án và các khoản chi phí khác.
Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật trong quản lý tài chính, tài sản.
Xem chi tiết tại Thông tư 05/2011/TT-TTCP, có hiệu lực từ ngày 07/3/2011.
Thùy Trâm
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |