Xin cho tôi hỏi các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm là những biện pháp gì? - Hoàng Nguyên (Bình Dương)
Các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm từ ngày 01/7/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 18/01/2024, Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Theo khoản 1 Điều 156 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp sau đây:
- Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
- Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
- Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 trong thời gian 30 ngày liên tục;
- Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 trong thời gian 06 tháng liên tục;
- Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước.
Căn cứ theo Điều 159 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm như sau:
- Trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm được áp dụng biện pháp hỗ trợ sau đây sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:
+ Lộ trình tuân thủ một hoặc một số giới hạn, tỷ lệ quy định tại Điều 136 và Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
+ Khi thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ theo phương án khắc phục, cổ đông, thành viên góp vốn được sở hữu cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp quy định tại Điều 63 và Điều 77 Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Cổ đông, thành viên góp vốn phải có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp để tuân thủ giới hạn.
- Trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm có lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài các biện pháp nêu trên, được áp dụng thêm một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:
+ Trường hợp số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm chưa bao gồm số tiền dự phòng rủi ro đã tạm trích trong năm thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro bằng chênh lệch thu chi;
+ Trường hợp tổ chức tín dụng có lãi phải thu phải thoái, tổ chức tín dụng được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ lãi phải thu phải thoái và số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro bằng chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng.
Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 05 năm kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Chính phủ quy định trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 05 năm nhưng không quá 10 năm trong trường hợp cần thiết;
+ Quỹ tín dụng nhân dân được vay từ quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân với lãi suất ưu đãi theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
+ Quỹ tín dụng nhân dân được ngân hàng hợp tác xã hỗ trợ cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành; hỗ trợ về công nghệ thông tin;
+ Biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |