Bộ Y tế yêu cầu tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi
Quốc Tuấn

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung Bộ Y tế yêu cầu tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi (Hình từ internet)

Ngày 28/8/2024, Bộ Y tế có Công văn 5099/BYT-DP về việc tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi

Từ đầu năm 2024 đến nay, số mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 27/8/2024, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B trên địa bàn toàn Thành phố. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trong cộng đồng, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung như sau:

- Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện công văn 4847/BYT-DP ngày 19/8/2024 về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch mùa tựu trường; công văn 4992/BYT-DP ngày 23/8/2024 về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi và các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh sởi.

- Chỉ đạo Sở Y tế và chính quyền địa phương các cấp tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; chủ động phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn.

- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài, truyền thông cơ sở trên địa bàn phối hợp với ngành Y tế thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh và không để tình trạng hoang mang lo lắng trong dư luận. Tăng cường truyền thông, tuyên truyền vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến cáo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.

Xem chi tiết nội dung tại Công văn 5099/BYT-DP ngày 28/8/2024.

Dấu hiệu bệnh sởi

Thông thường đối với thể điển hình, dấu hiệu bệnh sởi bao gồm:

- Giai đoạn ủ bệnh: 7-21 ngày (trung bình 10 ngày).

- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): 2-4 ngày. Người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Ngoài ra, dấu hiệu bệnh sởi đối với thể không điển hình có thể là:

- Biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.

- Người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.

(Quyết định 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014)

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;