Bộ Nội vụ hướng dẫn thành lập Hội Người cao tuổi ở địa phương nơi có đủ điều kiện

Bộ Nội vụ hướng dẫn thành lập Hội Người cao tuổi ở địa phương nơi có đủ điều kiện
Trần Thanh Rin

Tôi muốn biết Bộ Nội vụ đã có những hướng dẫn gì trong việc thành lập Hội Người cao tuổi ở địa phương nơi có đủ điều kiện? – Nhật Kha (Bình Thuận)

Bộ Nội vụ hướng dẫn thành lập Hội Người cao tuổi ở địa phương nơi có đủ điều kiện

Bộ Nội vụ hướng dẫn thành lập Hội Người cao tuổi ở địa phương nơi có đủ điều kiện (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 06/11/2023, Bộ Nội vụ đã có Công văn 6463/BNV-TCPCP về việc thành lập Hội Người cao tuổi ở địa phương nơi có đủ điều kiện.

Bộ Nội vụ hướng dẫn thành lập Hội Người cao tuổi ở địa phương nơi có đủ điều kiện

Cụ thể, Căn cứ chủ trương của Ban Bí thư tại Kết luận 58-KL/TW  ngày 23/6/2023 về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam và Quyết định 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam Trần Hồng Hà, Bộ Nội vụ thống nhất với Hội Người cao tuổi Việt Nam và cơ quan liên quan có ý kiến về việc thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện như sau:

(1) Căn cứ Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng Tờ trình báo cáo xin chủ trương Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (sau đây gọi tắt cấp thẩm quyền) về việc thành lập Hội người cao tuổi tỉnh, huyện ở nơi có đủ điều kiện.

(2) Sau khi có chủ trương đồng ý thành lập Hội của cấp thẩm quyền, Ban Đại diện tỉnh, huyện thực hiện nhiệm vụ của Ban vận động (sau đây gọi tắt là Ban Đại diện) hoàn thiện hồ sơ thành lập Hội báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND huyện (nếu được ủy quyền) xem xét thành lập Hội theo thẩm quyền; đồng thời đề xuất phương án chuyển giao quyền và nghĩa vụ, tài sản, tài chính, người làm việc, biên chế (nếu có) của Ban Đại diện sang cho Hội khi được thành lập; Ban Đại diện chấm dứt hoạt động theo quy định sau khi hoàn thành việc chuyển giao.

Căn cứ Quyết định thành lập Hội, Ban Đại diện phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện công tác chuẩn bị Đại hội, báo cáo cấp thẩm quyền; tổ chức Đại hội để bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra; thông qua Nghị quyết thống nhất sử dụng Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam được Bộ Nội vụ phê duyệt và các nội dung khác của Đại hội.

(3) Đối với 13 tỉnh, thành phố đã thực hiện thí điểm mô hình Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện: trường hợp đã có Quyết định thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện theo quy định thì tiếp tục hoạt động. Trường hợp, chưa có Quyết định thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện, thực hiện việc thành lập hội theo (1), (2).

(4) Hội Người cao tuổi Việt Nam có trách nhiệm chủ động phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn Ban Đại diện báo cáo xin chủ trương và thành lập Hội theo quy định và Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam.

(5) UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tạo điều kiện thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện theo thẩm quyền và chủ trương của Ban Bí thư tại Kết luận 58-KL/TW, Quyết định 118-QĐ/TW, điều kiện thực tế tại địa phương; chỉ đạo phân công Sở, ngành tham gia phối hợp tham mưu Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thực hiện Quyết định 118-QĐ/TW về chỉ đạo, cụ thể hoá, sắp xếp giao nhiệm vụ cho hội quần chúng phù hợp với điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ của ở địa phương.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Người cao tuổi Việt Nam

Cụ thể tại Điều 7 và Điều 8 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 972/QĐ-BNV năm 2017 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Người cao tuổi Việt Nam như sau:

* Nhiệm vụ

- Thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 27 Luật Người cao tuổi, gồm:

+ Tập hợp, đoàn kết, động viên người cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội Người cao tuổi, góp phần thực hiện các chương trình kinh tế - văn hóa - xã hội; giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

+ Làm nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi;

+ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên là người cao tuổi;

+ Nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Đại diện cho người cao tuổi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, các hoạt động đối ngoại nhân dân vì lợi ích của Tổ quốc và của người cao tuổi.

- Tham gia xây dựng, bảo vệ trật tự và an toàn xã hội; tham gia tổ chức thực hiện tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

* Quyền hạn

- Tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến người cao tuổi và thi hành Hiến pháp, Luật Người cao tuổi.

- Tham gia thực hiện một số hoạt động, dịch vụ thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.

- Tư vấn, giám sát các chính sách, chương trình, đề tài, dự án do cơ quan nhà nước yêu cầu về các vấn đề thuộc lĩnh vực người cao tuổi và hoạt động của Hội theo quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1779 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;