Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024
Trần Thanh Rin

Tôi muốn biết có phải Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024 trong Công văn 5155/BGDĐT-GDĐH đúng không? – Mạnh Trung (Khánh Hòa)

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 22/9/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 5155/BGDĐT-GDĐH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024

Theo đó, để hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024 và chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình GDPT 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

- Xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

- Riêng đối với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên: cần chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm;

Gắn kết chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng viên

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng viên nhằm thu hút và giữ ổn định đội ngũ giảng viên trình độ cao, bảo đảm duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên; rà soát, cử giảng viên tham gia Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT giai đoạn 2022 - 2030 (Đề án 89) bảo đảm đúng đối tượng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cơ sở đào tạo.

Tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên; tạo môi trường nghiên cứu để mỗi giảng viên, cán bộ quản lý có thể tự phát huy năng lực nghiên cứu khoa học của cá nhân; gắn kết nghiên cứu với giảng dạy, hợp tác nghiên cứu với các giảng viên trong và ngoài nước, hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Tăng cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng

Tại Công văn 5155/BGDĐT-GDĐH, để tăng cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu:

- Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo và công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động, nhất là các chỉ số cốt lõi; trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu và đúng tiêu chuẩn, phù hợp với chuẩn chương trình đào tạo và quy mô đào tạo.

- Xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, trong đó tập trung phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; đẩy mạnh kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo theo quy định.

- Thực hiện đúng quy định về quản lý văn bằng, chứng chỉ; trong đó lưu ý việc lập hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ, cấp văn bằng đúng quy định, đặc biệt là văn bằng trình độ tương đương. Chấn chỉnh việc tổ chức thi, đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch để cấp các loại chứng chỉ bảo đảm đúng quy định.

Xem thêm nội dung tại Công văn 5155/BGDĐT-GDĐH ngày 22/9/2023.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

268 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;