Người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông thường thói quen “quên" bật hoặc tắt xi nhan và thói quen này vô tình gây nên lỗi vi phạm quy định về an toàn giao thông, không những vậy còn gây hiểu nhầm, khó chịu cho những người cùng tham gia giao thông khác trên đường.
Điều 15 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định như sau:
- Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
- Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Quy định về báo đèn tín hiệu khi rẽ hướng nêu trên chính là việc bật xi nhan. Nhưng sử dụng đèn xi nhan như thế nào mới an toàn và đúng luật?
Theo quy định của pháp luật, những trường hợp phải bật đèn xi-nhan:
- Chuyển làn đường
- Rẽ phải, rẽ trái, quay đầu
- Vượt xe khác
- Cho xe chuyển bánh từ vị trí đậu, hoặc chạy vào sát vỉa hè để dừng, đậu xe.
Ngoài ra còn có những trường hợp nên bật đèn xi-nhan để đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp việc lưu thông trên đường thuận tiện hơn như sau:
- Khi đi qua vòng xuyến: Về cơ bản theo nguyên tắc vào trái, ra phải nghĩa là khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, khi ra khỏi thì xi nhan phải.
- Khi đi theo đường cong: Người điều khiển phương tiện giao thông cua theo đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) thì vẫn xem là đang đi trên một đoạn đường thẳng, theo một hướng, không hề gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông phía sau hoặc chiều ngược lại thì không bắt buộc bật đèn tín hiệu.
- Khi lùi theo đường cong, ví dụ như lùi vào ngõ: phải bật tín hiệu như khi tiến vì lúc đó muốn chuyển hướng xe.
- Đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường, Nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải (từ chân chữ Y lên) thì không cần xi nhan
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về khoảng cách bao xa trước khi cho xe chuyển hướng thì được phép bật đèn xi nhan. Việc này đã gây ra nhiều bất cập trong thực tiễn áp dụng. Có rất nhiều người bật hoặc tắt xi nhan quá sớm/ quá muộn thường bị cảnh sát giao thông bắt lỗi, xử phạt. Người bị xử phạt lỗi đèn xi nhan thì không đồng tình là mình vi phạm, bật hoặc tắt xi nhan không hợp lý thì gây hiểu lầm giữa những người tham gia giao thông với nhau, thậm chí có thể gây nên tai nạn giao thông.
Thông thường để đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông khác thì đối với xe gắn máy, cách chỗ rẽ tầm 10 - 15m thì sẽ bắt đầu bật xi nhan, đối với xe ô tô thì khoảng cách này ở tầm 30m, sau khoảng 5 - 10m thì tắt xi nhan.
Với lỗi vi phạm về đèn xi nhan Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về mức phạt như sau:
- Với ôtô và các loại xe tương tự ôtô:
- Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
- Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức);
- Phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc.
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự:
- Phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
- Phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).