Bật “nhầm” xi nhan tức là người điều khiển phương tiện giao thông dự định rẽ trái nhưng lại bật xi nhan phải hoặc ngược lại rẽ phải nhưng lại bật xi nhan trái, hoặc chẳng rẽ trái cũng chẳng rẽ phải nhưng cứ để xi nhan. Tất cả những hành vi này dù là "quên" tắt xi nhan, hay nhầm lẫn phương hướng xi nhan đi nữa đều là hành vi gây phiền phức cho người đi sau, và không may có thể gây ra va chạm giao thông ngoài ý muốn.
Về nguyên tắc: “Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ”. Như vậy, khi có dự định chuyển hướng đi (dù trái, phải hay quay đầu xe) thì người điều khiển phương tiện giao thông phải bật đèn tín hiệu báo trước, nếu không sẽ bị coi là vi phạm Luật giao thông đường bộ và bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Với lỗi vi phạm về đèn xi nhan Nghị định 46 quy định như sau:
+ Phạt tiền từ 3 - 4 trăm nghìn đồng với người điều khiển xe thực hiện hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
+ Phạt tiền từ 6 - 8 trăm nghìn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức);
+ Phạt tiền từ 8 trăm - 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển xe chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện):
+ Phạt tiền từ 80 - 100 nghìn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
+ Phạt tiền từ 3 - 4 trăm nghìn đồng đối với hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).
Nhưng nếu như chẳng rơi vào các trường hợp nêu trên mà rơi vào trường hợp bật “nhầm” xi nhan, sử dụng đèn xi nhan không hợp lệ như: Không chuyển hướng nhưng vẫn để xi nhan hay chuyển hướng này nhưng để xi nhan hướng khác thì xử lý thế nào?
Nghị định 46 không quy định mức xử phạt rõ đối với trường hợp này. Nhưng, việc sử dụng xi nhan không đúng thời điểm, không đúng chỗ như vậy đa phần gây trở ngại đối với người tham gia giao thông ở phía sau, hậu quả nhẹ thì bị la rầy, nặng hơn thì xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Trường hợp này có thể xét vào hành vi “gây cản trở giao thông” và có thể bị xử phạt theo Nghị định 46 tùy vào hành vi và hậu quả thực tế xảy ra.
Ví dụ: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bật nhầm xi nhan, gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt phía sau thì sẽ bị xử phạt từ 60 - 80 nghìn đồng.