Bao giờ mới có Luật biểu tình?

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Lê Minh Thông cho biết dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 tuy nhiên đây là dự án Luật phức tạp cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, do đó một lần nữa tiếp tục “hành trình” lùi thời gian trình dự án luật biểu tình.

 

Trước đây, Hiến pháp năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện cũng có hẳn một chữ "quyền được biểu tình" và cho rằng đây là quyển cơ bản của công dân. Vậy vì lẽ nào mà quyền này khó được công nhận và áp dụng tại thời điểm hiện tại?

Vào ngày 26/ 11/ 2011, Quốc hội đã Thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 85 dự án luật, 06 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức và 38 dự án luật, 03 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chuẩn bị tại Nghị quyết 20/2011/QH13, trong đó Luật biểu tình nằm trong 38 dự án luật thuộc chương trình chuẩn bị, thế nhưng cho tới nay vẫn chưa nhận được kết quả thống nhất về Luật biểu tình, thậm chí dự thảo Luật biểu tình đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến: “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi”. Ông cũng nhấn mạnh: “Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không đồng tình với đề nghị của Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ: “Cần đảm bảo thời gian trình Luật biểu tình. Quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân, đã đề cập từ năm 1945 rồi, cứ lùi đi lùi lại mãi, bây giờ lùi đến bao giờ? Đây là vấn đề nếu chúng ta cứ lùi mãi thì hoàn toàn không có lợi về mặt chính trị.”

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích thêm: "Sự cần thiết của luật này là rất quan trọng, tôi biết Bộ Công an cũng muốn khẩn cấp làm luật này, thứ nhất là để đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, đồng thời với việc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Nếu chúng ta tiếp tục áp dụng Nghị định 38 để hạn chế quyền công dân là trái Hiến pháp".

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Chính phủ đã phân công và chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo dự án Luật biểu tình. Bộ Công an đã tiến hành tổng kết pháp luật về lĩnh vực này, tiến hành khảo sát, nghiên cứu, biên dịch… Tại phiên họp thường kỳ tháng 1-2016, Chính phủ đã thảo luận vấn đề này, nhưng ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau về nội dung dự thảo luật.

Như vậy, khó có thể tính được cho đến nay dự án Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn bao nhiêu lần. Và không biết đến khi nào mới có thông tin chính thức về Luật biểu tình? Đây là câu hỏi chưa có câu trả lời.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

325 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;