Bàn về "vũ khí" theo các quy định của pháp luật

Đối chiếu các quy định về "vũ khí" trong các Luật, pháp lệnh cho thấy những thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý các hành vi vi phạm.

Qua nghiên cứu, đối chiếu các quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2011 và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 với các quy định của BLHS 1999BLHS 2015, quy định về các tội : “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” (theo Điều 230 BLHS 1999 và Điều 304 BLHS 2015) và tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ” (theo Điều 233 BLHS 1999 và 306 BLHS 2015), cho thấy những thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý các hành vi vi phạm. 

Theo Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (còn hiệu lực đến ngày 01/7/2018), thì:

“1. Vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

2. Vũ khí quân dụng gồm:

a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;

b) Vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối dưới 100 mi-li-mét, (mm), súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 mi-li-mét (mm), súng phóng lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng nhẹ khác có tính năng, tác dụng tương tự;

c) Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ;

d) Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.”….

3. Súng săn là súng dùng để săn bắn gồm súng kíp, súng hơi, các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự.

4. Vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.

5. Vũ khí thể thao là súng và các loại vũ khí thô sơ dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018), thì:

“1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

2. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

3. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.

4. Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

5. Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:

a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.

6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”

Như vậy, theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, thì các loại vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng, chỉ được coi là “Vũ khí” nói chung, chứ không được coi là “Vũ khí quân dụng” như quy định tại Pháp lệnh năm 2011. Do vậy, không thuộc đối tượng tác động của tội “chế tạo, tàng trữ, sử dụng…. trái phép vũ khí quân dụng” được quy định tại Điều 304 BLHS năm 2015 (hoặc Điều 230 BLHS 1999). Đây là quy định có lợi, nên được áp dụng cả đối với các hành vi vi phạm trước ngày 01/7/2018. Vì vậy, kể từ ngày 03/7/2017 trở đi, các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển … các loại vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng, không cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 230 BLHS 1999 hoặc Điều 304 BLHS 2015. Nếu đã khởi tố thì phải đình chỉ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, theo điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS 2015.

Bên cạnh đó, quy định của BLHS 2015 quy định về nhóm các tội phạm liên quan đến vũ khí cho thấy:

Điều 304 BLHS 2015 quy định về tội: “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”. Điều luật quy định đối tượng tác động là “Vũ khí quân dụng” và “Phương tiện kỹ thuật quân sự”, không có quy định các loại “Vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng”. Do vậy, đối tượng tác động của tội phạm quy định tại Điều 304 BLHS năm 2015 đã thu hẹp hơn so với đối tượng tội phạm quy định tại Điều 230 BLHS năm 1999, do có sự thay đổi giữa Pháp lệnh năm 2011 và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…. như đã phân tích ở trên.

Điều 306 BLHS 2015 quy định về tội: “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ”. Theo đó, điều luật quy định các đối tượng của tội phạm này là: súng săn; vũ khí thô sơ; vũ khí thể thao; vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao; công cụ hỗ trợ (khoản 1 Điều 306 BLHS 2015).

Như vậy, các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng… các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao (kèm theo điều kiện đã bị xử lý hành chính, bị kết án…), thì phải chịu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng… các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng, thì không được quy định là đối tượng phạm tội của bất cứ tội phạm nào liên quan đến vũ khí, thuộc Mục 3 “Các tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng” của BLHS năm 2015. Phải chăng, BLHS 2015 cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bởi lẽ, loại vũ khí này có thể có tính nguy hiểm và tầm sát thương cao hơn nhiều so với các loại vũ khí thể thao, súng săn hoặc vũ khí khác có tính năng, tác dụng như vũ khí thể thao, súng săn.

Trần Văn Huy - Phòng 7, VKSND tỉnh Đắk Lắk

787 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;