Bán thông tin cá nhân khách hàng, đáng bị xử phạt!

Hiện nay tình trạng tiết lộ thông tin cá nhân của khách hàng diễn ra khá phổ biển, những thông tin này dần trở thành một loại hàng hóa và được rao bán tràn lan trên mạng internet. Việc này đã gây không ít phiền toái cho nhiều người và cần phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

 

Bạn vô tình lên mạng gõ vài từ khóa như “data khách hàng” hay “khách hàng Vip”, “khách hàng tiềm năng” là có thể tìm thấy hàng loạt trang web công khai buôn bán thông tin cá nhân như: Danh sách khách hàng VIP tất cả ngành nghề giá rẻ và uy tín, danh sách khách hàng tiềm năng 2016, danh sách khách hàng siêu rẻ,... Các dữ liệu thông tin khách hàng này cũng được sắp xếp, phân loại thành các bộ danh sách theo ngành nghề, mức thu nhập, vị trí địa lý… để dễ dàng trao đổi, mua bán. Ngoài ra những thông tin này còn được lưu trữ trong các đĩa CD, chứa được khoảng 5.000 thông tin khách hàng và được rao bán với giá dao động từ 85.000 đồng đến 800.000 đồng, thậm chí có đĩa CD chứa tới 10.000 khách hàng thì được bán với giá 5 đến10 triệu đồng. Hầu hết các trang mạng rao bán này đều khẳng định về chất lượng và số lượng của thông tin khách hàng, đảm bảo được cập nhật kịp thời và độ tin cậy lên đến 80%, đồng thời kèm theo khuyến mãi  Mặc dù dịch vụ buôn bán này diễn ra khá rầm rộ trên mạng nhưng các chủ nhân của danh sách chỉ tiếp nhận trao đổi thông qua tài khoản và gmail để tránh bị “nhòm ngó”.

             

Vụ việc chỉ được phát hiện khi người được cho là khách hàng nhận được điện thoại tư vấn từ một công ty hoặc dịch vụ nào đó. Những công ty này có thể biết tất tần tật những thông tin cá nhân của khách hàng như tên, số điện thoại, địa chỉ email, số chứng minh nhân dân, thậm chí biết cả thu nhập hàng tháng của khách hàng…sự “quan tâm” này đã khiến cho một số khách hàng thấy phiền phức và lo sợ.

Ngày 18/3/2016, Bộ Thông tin - truyền thông có ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT về việc tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn tình trạng mua bán, lưu thông sim di động trái quy định. Có lẽ việc thông tin cá nhân bị tiết lộ một phần bắt nguồn dịch vụ viễn thông, mua bán sim di động như vậy. Theo đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị trực thuộc và sở thông tin - truyền thông địa phương tăng cường phối hợp với ngành công an để kiểm tra xác minh, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đối với nhà mạng phải phổ biến và giám sát đại lý bán sim, điểm đăng ký thông tin thuê bao nghiêm túc chấp hành quy định bảo mật thông tin cá nhân của người dùng dịch vụ viễn thông; không mua bán, lưu thông sim đã kích hoạt sẵn...

Việc rao bán thông tin khách hàng cũng là hành vi xâm phạm bí mật đời tư của khách hàng theo quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự 2005 mà trước đây Thư ký luật có đề cập tới.

Mặt khác, theo tại Điều 22 Luật Công nghệ thông tin 2006 có quy định:

"1 Cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân lưu trữ thông tin cá nhân của mình trên môi trường mạng thực hiện việc kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin đó;

2. Tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự đồng ý của người đó;

3. Cá nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân."

Nếu người nào có hành vi vi phạm trên có thể bị xử lý hành chính tại Điều 65 Nghị định 185/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 65. Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thông báo rõ ràng, công khai với người tiêu dùng về mục đích trước khi thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng theo quy định;
b) Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý theo quy định;
c) Không bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ đối với thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, sử dụng, chuyển giao theo quy định;
d) Không tự điều chỉnh hoặc không có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin không chính xác theo quy định;
đ) Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm có chứa đựng thông tin của người tiêu dùng.”

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2044 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;