Ban hành Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam

Ban hành Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam
Quốc Tuấn

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung chi tiết về việc ban hành Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam

Ban hành Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam

Ban hành Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam (Hình từ internet)

Ngày 10/9/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 1512/QĐ-BTTTT về Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam.

Ban hành Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam

Theo đó, Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam làm rõ các thành phần, yêu cầu phát triển Hạ tầng số Việt Nam, phản ánh sự tiến hoá, mở rộng từ hạ tầng viễn thông truyền thống đến các hạ tầng mới theo cách tiếp cận riêng của Việt Nam.

Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam là cơ sở để:

- Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thúc đẩy phát triển, các quy định quản lý Hạ tầng số Việt Nam.

- Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số xác định không gian phát triển mới, xây dựng định hướng phát triển giai đoạn 2024-2030.

Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam sẽ được cập nhật, bổ sung phù hợp với thực tiễn phát triển Hạ tầng số Việt Nam, xu thế phát triển hạ tầng số thế giới.

Hạ tầng số Việt Nam bao gồm 04 thành phần chính như sau:

(1) Hạ tầng viễn thông và Internet

Hạ tầng viễn thông và Internet bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng Internet, là hạ tầng thiết yếu phục vụ các hoạt động kinh tế xã hội. Hạ tầng viễn thông làm nền tảng cho việc truyền đưa thông tin, dữ liệu. Hạ tầng Internet cung cấp kết nối và liên kết toàn cầu, cung cấp quyền truy cập vào thông tin, dịch vụ trực tuyến.

Hạ tầng viễn thông bao gồm các thành phần cơ bản sau: hệ thống truyền dẫn quốc tế, hệ thống truyền dẫn trong nước, mạng viễn thông cố định, mạng viễn thông di động (4G, 5G, 6G,...), WiFi, mạng viễn thông vệ tinh, mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước,...

Hạ tầng Internet bao gồm các thành phần cơ bản sau: các trạm trung chuyển Internet (Internet Exchange - IX), hệ thống máy chủ DNS (Domain Name System), các bộ định tuyến (Router), bộ chuyển mạch (Switch) và các thiết bị khác.

(2) Hạ tầng dữ liệu

Hạ tầng dữ liệu tạo ra một môi trường an toàn và hiệu quả để lưu trữ, xử lý và phân phối lượng lớn dữ liệu, đảm bảo các dịch vụ luôn sẵn sàng và có độ tin cậy cao.

Hạ tầng dữ liệu bao gồm các thành phần cơ bản sau:

- Trung tâm dữ liệu bao gồm: trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu vùng, trung tâm dữ liệu khu vực, chú trọng thu hút triển khai các trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale Data Center), trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Data Center),...

- Điện toán đám mây (Cloud Computing).

(3) Hạ tầng vật lý - số

Hạ tầng vật lý - số thực hiện số hoá thế giới thực, tạo ra ánh xạ 1-1 giữa thế giới thực và thế giới số, phục vụ tương tác qua lại giữa hai thế giới này. Đây là thành phần quan trọng bậc nhất của chuyển đổi số, các lợi ích chủ yếu của chuyển đổi số được tạo ra nhờ hạ tầng này.

Hạ tầng vật lý - số bao gồm các thành phần cơ bản sau:

- Các thiết bị IoT phục vụ số hóa thế giới thực, cung cấp khả năng tương tác giữa thế giới thực và thế giới số.

- Mạng kết nối truyền dữ liệu giữa các thiết bị cảm biến, điều khiển và ứng dụng,... (ví dụ: hệ thống LoraWAN, Sigfox, Zigbee, 4G, 5G, Wifi...).

- Dữ liệu được tạo ra từ việc số hoá thế giới thực.

- Thành phần xử lý dữ liệu bao gồm: Phần mềm trung gian (Middleware), Phần mềm mô phỏng và Bản sao số (Digital Twin):

+ Phần mềm trung gian (Middleware) hoạt động như cầu nối giữa các thiết bị, dữ liệu và ứng dụng, giúp các hệ thống khác nhau có thể giao tiếp, tương tác với nhau một cách dễ dàng. Phần mềm trung gian quản lý luồng dữ liệu, đảm bảo sự tương thích giữa các hệ thống khác nhau, cung cấp một ngôn ngữ chung cho việc trao đổi thông tin và giúp đơn giản hóa quá trình triển khai và tích hợp các ứng dụng kết nối thực - số trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

+ Phần mềm mô phỏng được sử dụng để mô phỏng hoạt động của một đối tượng, hệ thống hoặc quy trình vật lý trong thế giới thực trên cơ sở các tham số cho trước.

+ Bản sao số (Digital Twin) là một bản mô phỏng được cập nhật theo thời gian thực, phản ánh chính xác trạng thái và hành vi của một đối tượng, hệ thống hoặc quy trình vật lý trong thế giới thực.

(4) Hạ tầng Tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ

* Tiện ích số

Tiện ích số là các nền tảng cung cấp các dịch vụ số thiết yếu trên diện rộng một cách dễ dàng, nhanh chóng, liền mạch và an toàn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Các tiện ích số được xây dựng trên các tiêu chuẩn mở, tương thích, giúp các tổ chức và doanh nghiệp phát triển các ứng dụng và giải pháp số cho chuyển đổi số quốc gia.

Tiện ích số bao gồm:

+ Định danh số;

+ Thanh toán số;

+ Hóa đơn số;

+ Tích hợp, chia sẻ dữ liệu;

+ Xác thực văn bản số;

+ Chữ ký số và chứng thực chữ ký số;

+ Các tiện ích số khác.

* Nền tảng cung cấp công nghệ số như dịch vụ

Nền tảng cung cấp công nghệ số như dịch vụ cung cấp các công nghệ số dưới dạng dịch vụ, giúp doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận, sử dụng công nghệ một cách dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Nền tảng cung cấp công nghệ số như dịch vụ bao gồm: cung cấp công nghệ Trí tuệ nhân tạo như dịch vụ (Artificial Intelligence), cung cấp công nghệ Chuỗi khối như dịch vụ (Blockchain) và các công nghệ số khác được cung cấp dưới dạng dịch vụ.

Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 1512/QĐ-BTTTT có hiệu lực từ ngày 10/9/2024.

 

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;