Áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh NH nước ngoài

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 được ban hành ngày 20/11/2017. Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật các tổ chức tín dụng 2010. Tiêu biểu là nội dung bổ sung mới hoàn toàn về áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.

Cụ thể, theo Khoản 25 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 bổ sung Điều 130a vào sau Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng 2010, các quy định về áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau: 

- Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 145 Luật các tổ chức tín dụng 2010:

  • Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng 2010 trong thời gian 03 tháng liên tục;
  • Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng 2010 trong thời gian 06 tháng liên tục;
  • Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp trên.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục tình trạng nêu trên và tổ chức triển khai thực hiện. Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh phương án khắc phục nếu xét thấy cần thiết.

Thời hạn thực hiện phương án khắc phục tối đa là 01 năm, kể từ ngày có văn bản áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước.

- Phương án khắc phục bao gồm một hoặc một số biện pháp sau đây:

  • Thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động, hạn chế các giao dịch lớn;
  • Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;
  • Hạn chế chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận;
  • Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý; hạn chế trả thù lao, lương, thưởng đối với người quản lý, người điều hành;
  • Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản lý, cắt giảm nhân sự;
  • Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không xây dựng được phương án khắc phục hoặc hết thời hạn thực hiện phương án mà không khắc phục được tình trạng quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một hoặc một số biện pháp khắc phục theo quy định.

- Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm sau khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục được các tình trạng hoặc khi tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt.

Xem thêm tại: Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 có hiệu lực ngày 15/1/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng 2010

1405 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;