Án treo là gì?

"Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc phải chấp hành hình phạt tù" (Điều 1 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP)

 

Án treo là một thuật ngữ pháp lý thường dùng trong chế định hình sự. Theo đó, án treo được hiểu là việc tạm thời miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện như người vi phạm pháp luật ở mức độ ít nghiêm trọng, hình phạt tù không quá 03 năm, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và xét thấy không cần phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội thì tòa án có thể miễn chấp hành hình phạt tại trại giam để người phạm tội chịu sự giám sát, quản lý và giáo dục tại địa phương cư trú của chính quyền sở tại. 

Tại Điều 60 Bộ luật hình sự 1999 quy định về án treo như sau:

“ 1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm;

2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án  treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó;

3. Người  được hưởng án  treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này;

  .....”

Chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện quy định tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP như sau:

  • Bị xử phạt tù không quá 03 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng;
  • Có nhân thân tốt, ngoài lần phạm tội này trước đó trong đời sống luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, nơi công tác; không vi phạm pháp luật; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật;
  • Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;
  • Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng;
  • Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 của BLHS và có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS; nếu có 01 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS;
  • Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.

Xem thêm nội dung hướng dẫn tại: Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP,  Nghị định 61/2000/NĐ-CP và Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

582 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;