Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giải thể trường cao đẳng sư phạm khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây.
6 trường hợp giải thể trường cao đẳng sư phạm từ 20/11/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định 125/2024/NĐ-CP áp dụng đối với: Cơ sở giáo dục mầm non; nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập; cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục thường xuyên; trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; trường chuyên biệt; trường cao đẳng thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng; cơ sở giáo dục đại học; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động giáo dục.
Trong đó, theo khoản 1 Điều 93 Nghị định 125/2024/NĐ-CP, 6 trường hợp giải thể trường cao đẳng sư phạm bao gồm:
- Vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của nhà trường;
- Hết thời hạn đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;
- Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội;
- Không bảo đảm chất lượng giáo dục;
- Không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực;
- Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng sư phạm.
Theo Điều 93 Nghị định 125/2024/NĐ-CP, về thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giải thể trường cao đẳng sư phạm.
Về thành phần hồ sơ:
- Trường cao đẳng sư phạm bị giải thể mà không phải theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng sư phạm, hồ sơ gồm:
+ Báo cáo kèm minh chứng về các vi phạm của nhà trường.
+ Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan.
- Trường cao đẳng sư phạm bị giải thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng sư phạm, hồ sơ gồm:
+ Tờ trình đề nghị giải thể trường cao đẳng sư phạm (theo Mẫu số 08 Phụ lục II kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP).
+ Đề án giải thể trường cao đẳng sư phạm (theo Mẫu số 09 Phụ lục II kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP).
Về trình tự thực hiện:
- Trường cao đẳng sư phạm bị giải thể mà không phải theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng sư phạm:
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra tình trạng thực tế của trường, lập biên bản và thông báo cho nhà trường về hành vi vi phạm.
+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có kết quả kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc giải thể trường cao đẳng sư phạm.
- Trường cao đẳng sư phạm bị giải thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng sư phạm:
+ Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải thể, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc giải thể trường cao đẳng sư phạm.
- Quyết định giải thể trường cao đẳng sư phạm (theo Mẫu số 10 Phụ lục II kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP) được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |