10 thay đổi quan trọng từ ngày 01/7/2019 mà cán bộ, công chức, viên chức cần phải biết

Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 03/2019/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Theo đó, có 10 thay đổi quan trọng sau đây mà mọi cán bộ, công chức, viên chức cần phải biết.

Ảnh minh họa

1. Chính thức áp dụng mẫu hợp đồng mới với viên chức từ ngày 01/7/2019

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 03/2019/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 03/2019/TT-BNV là một số biểu mẫu về hợp đồng làm việc áp dụng cho viên chức trúng tuyển tại các đơn vị sự nghiệp, bao gồm:

- Mấu số 1: Mẫu hợp đồng làm việc xác định thời hạn (không áp dụng đối với trường hợp cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức và công chức hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm được chuyển làm viên chức).

- Mẫu số 2: Mẫu hợp đồng làm việc xác định thời hạn (dành cho đối tượng dưới 18 tuổi).

- Mẫu số 3: Mẫu hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

2. Thay đổi điều kiện trúng tuyển thi thăng hạng viên chức từ 01/7/2019

Theo Thông tư 03/2019/TT-BNV, viên chức được xác định trúng tuyển kì thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Phải dự thi đủ các bài thi của các môn thi, trừ những môn được miễn thi theo quy định của pháp luật.

- Có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên (quy định hiện hành là từ 55 điểm trở lên), các bài thi được chấm theo thang điểm 100.

Đối với kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, viên chức trúng tuyển thực hiện theo hướng dẫn của Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quy định về nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Lưu ý: Không bảo lưu kết quả các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

3. Sửa đổi điều kiện xét chuyển chức danh nghề nghiệp

Theo nội dung sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2019/TT-BNV, việc xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng đối với viên chức phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Viên chức được bố trí sang vị trí làm việc mới có yêu cầu chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng hoặc cùng yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo với chức danh nghề nghiệp đang đảm nhiệm (quy định hiện nay chỉ là cùng hạng với chức danh nghề nghiệp đang đảm nhiệm).

- Viên chức đáp ứng đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp mới.

Việc xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng thì không kết hợp nâng bậc lương đối với viên chức.

4. Chấm dứt áp dụng chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức đối với người làm việc theo hợp đồng 68

Cụ thể, Thông tư 03/2019/TT-BNV quy định những cá nhân đang ký hợp đồng lao động làm các công việc tại Điều 1 Nghị định 68/2000/NĐ-CP, Khoản 1 Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP và được áp dụng bảng lương tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì phải chuyển sang ký hợp đồng lao động mới theo Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP và thực hiện mức lương mới, mức lương này không được thấp hơn mức lương hiện hưởng.

5. Đề án thi nâng ngạch công chức sẽ thay đổi từ ngày 01/7/2019

Thay vì xây dựng kế hoạch thi nâng ngạch theo mẫu sẵn có tại Điều 15 Thông tư 13/2010/TT-BNV thì từ ngày 01/7/2019, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức sẽ phải xây dựng đề án thi nâng ngạch với các nội dung như sau:

- Báo cáo về số lượng, cơ cấu ngạch công chức chuyên ngành hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

- Số lượng công chức ứng với ngạch dự thi còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm;

- Danh sách công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được cử dự thi nâng ngạch;

- Đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, hồ sơ của người đăng ký dự thi; nội dung, hình thức, thời gian thi;

- Dự kiến thành viên tham gia Hội đồng thi;

- Dự kiến thời gian, địa điểm và các nội dung khác để tổ chức kỳ thi.

Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi phải gửi đề án thi nâng ngạch công chức đến Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức TW đề lấy ý kiến trước khi tổ chức theo thẩm quyền.

6. Bổ sung căn cứ tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Cụ thể, theo nội dung tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2019/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Điều 8 Thông tư 12/2012/TT-BNV, việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được căn cứ vào:

  • Danh mục, số lượng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
  • Số lượng viên chức ứng với chức danh nghề nghiệp còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm;
  • Đơn vị sự nghiệp có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
  • Tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp đăng kí dự thi hoặc xét thăng hạng.

7. Các trường hợp được tuyển thẳng công chức từ ngày 01/7/2019

Thông tư 03/2019/TT-BNV quy định chi tiết hơn trường hợp tuyển thẳng công chức đối với người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên quy định tại Điều 19 Nghị định 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Theo đó, các trường hợp được quyển thẳng công thức từ ngày 01/7/2019 được quy định như sau:

- Viên chức đã có thời gian làm viên chức từ đủ 05 năm trở lên, tính từ thời điểm được tuyển dụng viên chức (không kể thời gian tập sự).

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu, đã có thời gian công tác từ đủ 05 năm (60 tháng) trong lực lượng vũ trang hoặc làm công tác cơ yếu tình từ thời điểm có quyết định tuyển dụng chính thức vào quân đội, công an hoặc tại các tổ chức của lực lượng cơ yếu.

- Người đang giữ chức danh, chức vụ (Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch công ty, Thành viên HĐTV, Kiểm soát viên, Tổng giám đóc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng) tại công ty TNHH MTV do nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ hoặc Người được cử làm đại diện phần vốn góp bao gồm (Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc) tại doanh nghiệp Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ, có thời gian công tác đóng BHXH bắt buộc từ đủ 05 năm (60 tháng), không tính thời gian thử việc.

8. Bổ sung quy định giải quyết chế độ thôi việc đối với viên chức chuyển công tác

Đây cũng là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 03/2019/TT-BNV. Theo đó, trường hợp viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác thì việc chấm dứt hợp đồng và giải quyết chế độ được quy định như sau:

- Khi viên chức chuyển đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp đang làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không thực hiện việc tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc.

Việc chấm dứt hợp đồng làm việc phải được thể hiện bằng văn bản có xác nhận của viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc.

9. Quy chế mới về thời gian làm bài thi tuyển công chức, viên chức

Đây tiếp tục là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 03/2019/TT-BNV sửa đổi bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức.

Theo đó, thời gian làm bài thi trắc nghiệm trên giấy, thi viết, thi phỏng vấn được quy định như sau:

- Đối với thi viết: Tổng thời gian làm bài thi được ghi lên đề thi. Thời gian bắt đầu làm bài thi được tính từ thời điểm sau khi giám thị phát xong đề thi và đọc lại hết toàn bộ nội dung đề thi. Thời gian phát đề thi là 05 phút.

- Đối với thi trắc nghiệm: Tổng thời gian làm bài thi được ghi lên đề thi. Thời gian bắt đầu làm bài thi được tính sau 05 phút kể từ khi giám thị phòng thi phát đề thi cho thí sinh. Tổng thời gian phát đề thi là 10 phút.

- Đối với thi phỏng vấn: Thời gian chuẩn bị và trả lời câu hỏi của mỗi thí sinh tối đa là 30 phút.

10. Hướng dẫn mới về bổ nhiệm, xếp lương cho viên chức trúng tuyển thi thăng hạng

Theo nội dung tại Thông tư 03/2019/TT-BNV, căn cứ vào thông báo của cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyền kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện như sau:

- Đối với kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương chuyên viên cao cấp: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW căn cứ vào quyết định trúng tuyển và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trúng tuyển sau khi có ý kiến về điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ hoặc Ban tổ chức Trung ương.

- Đối với kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II, từ hạng IV lên hạng III thì thực hiện theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 15 Thông tư 12/2012/TT-BNV.

- Nguyễn Trinh - 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

7343 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;