Từ ngày 01/07/2025 sẽ có 10 di sản văn hóa được xác lập thuộc sở hữu toàn dân.
Ngày 23/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa 2024.
Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân. Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ di sản văn hóa thuộc hình thức sở hữu riêng, sở hữu chung theo quy định của Hiến pháp, quy định của Luật Di sản văn hóa 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trong đó, các di sản văn hóa được xác lập thuộc sở hữu toàn dân từ 01/7/2025 bao gồm:
- Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản tư liệu và hiện vật thuộc di tích; hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và không thuộc quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2024;
- Hiện vật, di sản tư liệu thuộc bảo tàng công lập;
- Di sản văn hóa ở trong lòng đất, dưới nước thuộc đất liền, hải đảo, vùng nước nội địa, vùng biển Việt Nam;
- Di sản văn hóa dưới nước có nguồn gốc Việt Nam nằm ngoài các vùng nước nội địa, vùng biển Việt Nam được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2024, quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Di sản văn hóa do cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập sưu tầm theo các phương thức quy định tại khoản 1 Điều 42 và khoản 2 Điều 58 Luật Di sản văn hóa 2024;
- Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do bảo tàng công lập sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, phát huy giá trị;
- Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của Bộ luật Dân sự khi được xác định là di sản văn hóa;
- Tài sản là di sản văn hóa do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; không có người nhận thừa kế và tài sản là di sản văn hóa khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
- Di sản văn hóa phi vật thể không xác định được chủ thể sáng tạo và chủ sở hữu hoặc do cộng đồng, nhóm người, cá nhân sáng tạo, thực hành, trao truyền, nắm giữ và kế thừa chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước;
- Trường hợp khác do luật quy định.
(Khoản 1, 2 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2024)
Từ ngày 01/07/2025, việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 6 Luật Di sản văn hóa 2024, cụ thể:
- Mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.
- Di sản văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo luật pháp quốc tế và theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, hài hòa với quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cộng đồng, cá nhân; tôn trọng sự đa dạng văn hóa, sự đối thoại giữa các cộng đồng và tính đặc thù dân tộc, vùng, miền.
- Ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, các dân tộc thiểu số rất ít người và những di sản văn hóa có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.
- Bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích và tính nguyên gốc của di sản tư liệu; giá trị và hình thức thể hiện vốn có của di sản văn hóa phi vật thể.
- Tôn trọng quyền của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể và nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể trong việc quyết định các yếu tố cần được bảo vệ và hình thức, mức độ cần được phát huy của di sản văn hóa; xác định nguy cơ, tác động đe dọa sự tồn tại và lựa chọn giải pháp bảo vệ di sản văn hóa.
- Lồng ghép việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương.
Xem thêm tại Luật Di sản văn hóa 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |