09 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thuế

09 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thuế
Trần Thanh Rin

Tổng Cục thuế ban hành Quyết định 245/QĐ-TCT ngày 30/3/2023, trong đó nêu ra 09 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thuế.

09 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thuế

09 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thuế (Hình từ Internet)

Tổng Cục thuế ban hành Quyết định 245/QĐ-TCT ngày 30/3/2023 về việc ban hành Nội quy bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thuế.

1. Thế nào là bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thuế?

Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, đơn vị, cá nhân trong ngành Thuế dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước.

Cụ thể, bí mật nhà nước ngành Thuế là thông tin có nội dung quan trọng của ngành Thuế do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, cơ quan, đơn vị.

Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

(Khoản 1, 2 Điều 2 Nội quy ban hành kèm theo Quyết định 245/QĐ-TCT)

2. 09 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thuế

Cụ thể tại Điều 4 Nội quy ban hành kèm theo Quyết định 245/QĐ-TCT, cá nhân, tổ chức bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trong việc bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thuế:

(1) Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

(2) Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.

(3) Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.

(4) Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, đơn vị, cá nhân.

(5) Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

(6) Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.

(7) Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.

(8) Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.

(9) Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

3. Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ngành Thuế

Sao tài liệu bí mật nhà nước ngành Thuế là việc chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng nội dung bản gốc hoặc bản chính của tài liệu. Chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước là việc ghi lại bằng hình ảnh tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, bao gồm các hình thức: Sao y bản chính, sao lục và trích sao.

Trong đó, thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ngành Thuế được quy định như sau:

(i) Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật: Tổng cục trưởng.

(ii) Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật bao gồm:

+ Những người quy định tại (i);

+ Người đứng đầu Cục, Vụ và tương đương thuộc Tổng cục và tương đương (Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các Cục/Vụ/đơn vị, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thành phố)

(iii) Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Mật bao gồm:

+ Những người quy định tại (ii);

+ Người đứng đầu đơn vị cấp phòng thuộc Tổng cục, Cục, Vụ và tương đương thuộc Bộ.

+ Người đứng đầu đơn vị cấp phòng thuộc Cục thuộc Tổng cục và tương đương.

Lưu ý:

- Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước quy định (i), (ii) có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Việc ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện thường xuyên hoặc theo từng trường hợp cụ thể và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.

- Cấp phó được ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định cho phép sao, chụp của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật.

Người được ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho người khác.

(Khoản 1, 2, 3 Điều 7 Nội quy ban hành kèm theo Quyết định 245/QĐ-TCT)

Quyết định 245/QĐ-TCT có hiệu lực từ ngày ký, thay thế Quyết định 636/QĐ-TCT ngày 25/4/2017.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

888 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;