Đây là nội dung đáng chú ý tại Luật phòng chống rửa tiền 2012 được Quốc Hội chính thức thông qua ngày 18/6/2012, gồm 5 Chương và 50 Điều.
08 dấu hiệu đáng ngờ cơ bản trong giao dịch liên quan tới rửa tiền (Ảnh minh họa)
Theo đó, tại Điều 22 Luật phòng chống rửa tiền 2012 quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản bao gồm:
Khách hàng cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán;
Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính;
Số điện thoại cá nhân hoặc cơ quan do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không có số này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch;
Các giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo;
Các giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan tới tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo;
Các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân này;
Giao dịch của khách hàng thực hiện thông qua đối tượng báo cáo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Báo cáo giao dịch đáng ngờ được thực hiện theo mẫu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.
Xem thêm tại Luật phòng chống rửa tiền 2012 có hiệu lực ngày 01/01/2013.
Ty Na
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |