Đây là nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học .
08 bước xây dựng chương trình đào tạo trình độ của giáo dục đại học (Ảnh minh họa)
Theo đó, Dự thảo Thông tư quy định quy trình xây dựng chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học bao gồm 08 bước:
Bước 1: Khảo sát lấy ý kiến các bên liên quan chính yếu (nhà trường, nhà khoa học chuyên môn, giảng viên; đại diện nhà tuyển dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp; người đã tốt nghiệp, sinh viên năm cuối) về thực trạng và nhu cầu đào tạo nhân lực đối với ngành đào tạo, về mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, kết hợp với yêu cầu về chuẩn chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư này.
Bước 2: Xây dựng mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu chính của cơ sở đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; đáp ứng nhu cầu nhân lực đối với ngành đào tạo.
Bước 3: Xây dựng cấu trúc chương trình đào tạo (các khối kiến thức, các học phần và số tín chỉ, trình tự logic các học phần, kế hoạch giảng dạy) đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo, Khung trình độ quốc gia Việt Nam và bảo đảm mục tiêu, chuẩn đầu ra đã xác định.
Bước 4: Đối chiếu, so sánh với chương trình đào tạo cùng trình độ, cùng ngành, của các cơ sở đào tạo khác ở trong nước và nước ngoài và chuẩn chương trình đào tạo theo từng ngành, nhóm ngành cụ thể để hoàn thiện chương trình đào tạo.
Bước 5: Xây dựng đề cương chi tiết học phần dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được phân nhiệm cho học phần; ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định thực hiện chương trình đào tạo, bảo đảm chất lượng đào tạo đối với từng khóa học. Hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá được thiết kế trong chương trình đào tạo phải đảm bảo tương thích để đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Bước 6: Tổ chức hội thảo lấy ý kiến của giảng viên, cán bộ quản lý trong và ngoài cơ sở đào tạo, các nhà khoa học, đại diện đơn vị sử dụng lao động liên quan và người đã tốt nghiệp (nếu có) về chương trình đào tạo.
Bước 7: Hoàn thiện dự thảo chương trình đào tạo trên cơ sở tiếp thu ý kiến phản hồi của các bên liên quan và trình Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xem xét tiến hành các thủ tục thẩm định và áp dụng.
Bước 8: Đánh giá và cập nhật thường xuyên nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy dựa trên các tiến bộ mới của lĩnh vực, ngành đào tạo và yêu cầu của việc sử dụng lao động.
Chi tiết xem tại Dự thảo Thông tư.
Ty Na
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |