Bài viết dưới đây sẽ đề cập 07 nguyên tắc làm việc của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn từ 10/12/2024.
07 nguyên tắc làm việc của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn từ 10/12/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 18/10/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 08/2024/TT-BVHTTDL quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
- Về cơ cấu:
Cơ cấu của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ. Hội đồng có Tổ thư ký giúp việc do người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quyết định, số lượng từ 02 (hai) thành viên trở lên.
Trong đó, thành phần của Hội đồng gồm đại diện là lãnh đạo cơ quan nhà nước, nhà quản lý, chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
- Về nhiệm kỳ:
Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hoạt động theo nhiệm kỳ, có thời hạn ít nhất là 03 (ba) năm. Trường hợp cần thiết có thể thành lập Hội đồng để thực hiện theo từng nhiệm vụ cụ thể.
(Khoản 2, 4, 5 Điều 2 Thông tư 08/2024/TT-BVHTTDL)
Theo Điều 3 Thông tư 08/2024/TT-BVHTTDL, Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ có các chức năng và nhiệm vụ như sau:
- Chức năng của Hội đồng: Thực hiện chức năng tư vấn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
- Nhiệm vụ của Hội đồng:
+ Phân tích, đánh giá, nhận định các hoạt động biểu diễn nghệ thuật có sử dụng ngân sách nhà nước khi người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị theo quy định của pháp luật;
+ Phân tích, đánh giá, nhận định các hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Cụ thể, 07 nguyên tắc làm việc của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bao gồm:
(1) Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và quyết định theo đa số. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể quyết định không triệu tập cuộc họp Hội đồng mà lấy ý kiến của các thành viên bằng văn bản.
(2) Các thành viên Hội đồng thực hiện quyền, trách nhiệm được giao; chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Trường hợp thành viên Hội đồng thuộc thành phần sáng tạo hoặc có quyền, lợi ích liên quan đến nội dung hoạt động biểu diễn nghệ thuật thì không tham gia tư vấn hoạt động đó.
(3) Cuộc họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham dự. Hội đồng làm việc theo phương thức thảo luận, quyết định theo hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu. Trường hợp số phiếu bằng nhau do Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch khi được ủy quyền) quyết định.
(4) Hội đồng có bộ phận thường trực gồm Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (khi được Chủ tịch ủy quyền) và 02 (hai) ủy viên.
(5) Phiếu ý kiến tư vấn của thành viên Hội đồng (theo Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư 08/2024/TT-BVHTTDL) được lưu cùng hồ sơ cuộc họp của Hội đồng. Hồ sơ lưu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(6) Kết quả cuộc họp của Hội đồng phải được từ 2/3 số thành viên trở lên đồng ý, được ghi trong Biên bản họp của Hội đồng (theo các Phụ lục số 02, 03, 04 và 05 kèm theo Thông tư 08/2024/TT-BVHTTDL).
(7) Hàng năm Hội đồng họp rút kinh nghiệm về hoạt động của Hội đồng và báo cáo kết quả hoạt động với cơ quan thành lập Hội đồng.
(Điều 4 Thông tư 08/2024/TT-BVHTTDL)
Xem thêm tại Thông tư 08/2024/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |