07 chính sách thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

07 chính sách thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Trần Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi có bao nhiêu chính sách thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050? – An Phước (Ninh Thuận)

07 chính sách thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

07 chính sách thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 145/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

07 chính sách thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cụ thể các chính sách thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm:

(1) Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng

- Cân đối ngân sách, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai (nâng cấp, xây dựng mới các hồ thủy lợi, công trình tích trữ, tạo nguồn nước, điều tiết nguồn nước; các công trình liên kết, kết nối, chuyển nước, công trình điều tiết mặn, ngọt; các công trình đê điều, công trình chỉnh trị, bảo vệ bờ sông, bờ biển...) theo lộ trình Quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để bố trí nguồn lực thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của Quy hoạch.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai có hiệu quả chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực ứng phó với thiên tai từ quỹ phòng, chống thiên tai để thu hút tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai theo quy hoạch.

- Tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOIKA) để tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, thu hút nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt nông thôn.

(2) Phát triển nguồn nhân lực

- Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai, nhất là trong công tác quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, quản lý đê điều, ứng phó trước các tình huống thiên tai; củng cố, kiện toàn các tổ chức thủy lợi cơ sở phù hợp với đặc thù của vùng, miền. Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực thủy lợi, phòng, chống thiên tai.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý thủy lợi, phòng, chống thiên tai đảm bảo tính kế thừa, liên tục và chất lượng. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tham dự các khoá đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến tại các quốc gia có kinh nghiệm trong quản lý khai thác nguồn nước, quản lý rủi ro thiên tai.

(3) Phát triển khoa học, công nghệ

- Tăng cường ứng dụng công nghệ số, hạ tầng quản trị số, khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh vào quản lý, khai thác hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai; quan trắc công trình, kiểm tra, kiểm định, đánh giá, đề xuất các giải pháp, công cụ đánh giá an toàn đập, chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với đập, hồ chứa nước, giảm thiểu ảnh hưởng của sự cố đập, hồ chứa đến hạ du; quan trắc, giám sát công trình đê điều, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nguồn nước, số lượng nước, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi...

- Triển khai nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để sử dụng nước tiết kiệm; đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên diện rộng.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến để dự báo, đánh giá khả năng sinh thủy, đề xuất giải pháp phát triển, bảo vệ, nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm tăng khả năng sinh thủy; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng.

(4) Bảo đảm an sinh xã hội

Ưu tiên đầu tư phát triển các công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai (hồ chứa, đập dâng, các tuyến chuyển nước, công trình cấp nước đa mục tiêu, các dự án tạo sinh kế, hệ thống đê sông, đê biển...) tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng thường xuyên chịu tác động hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ, bảo tồn, phát huy các công trình văn hoá, du lịch.

(5) Bảo vệ môi trường

- Đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác công trình, hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai; ưu tiên các dự án (hồ chứa, đập dâng...) góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan; áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ trong bảo vệ môi trường nước trong các hệ thống thủy lợi, đặc biệt là các công nghệ phục vụ quan trắc, giám sát, kiểm soát chất lượng nước, quản lý, xử lý ô nhiễm nguồn nước.

- Kiểm soát chất lượng nước, quản lý, xử lý hiệu quả nguồn gây ô nhiễm, phục hồi nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, nhất là các hệ thống thủy lợi đã và đang bị ô nhiễm như Bắc Hưng Hải, Sông Nhuệ, Bắc Đuống, một số hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, xác định hạn ngạch xả nước thải, lộ trình giảm xả thải trên các sông, kênh thuộc hệ thống thủy lợi.

(6) Bảo đảm nguồn tài chính

- Cân đối nguồn tài chính phù hợp để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư, quản lý, vận hành công trình thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai theo quy hoạch. Thường xuyên rà soát, đánh giá thực tế nhu cầu phát triển hạ tầng từng khu vực để đề xuất, điều chỉnh danh mục ưu tiên đầu tư hợp lý, đảm bảo đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ trong việc cân đối, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc bố trí, sử dụng ngân sách hàng năm để thực hiện các nội dung theo Quy hoạch.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan vận động, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách để tham gia đầu tư xây dựng các công trình phục vụ đa mục tiêu (có kết hợp phát triển thủy điện, du lịch, dịch vụ, cấp nước sinh hoạt...) nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển các dự án theo Quy hoạch được duyệt.

(7) Bảo đảm quốc phòng, an ninh

- Chủ động và tích cực tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến chia sẻ nguồn nước; phối hợp xây dựng cơ chế hợp tác với các nước láng giềng và các nước trong khu vực để giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn nước xuyên biên giới, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

- Ưu tiên các công trình, dự án giải quyết các vấn đề cấp bách trong phòng, chống thiên tai và thủy lợi, kết hợp với công trình quốc phòng, an ninh tại các vùng biên giới, các đảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

454 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;