Tôi muốn biết các trường hợp nào không được xóa liệu cá nhân khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu theo quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP? - Tuệ Lâm (Gia Lai)
06 trường hợp không được xóa dữ liệu cá nhân khi có yêu cầu (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.
Trong đó, dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, việc xóa dữ liệu sẽ không áp dụng khi có đề nghị của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp sau đây:
(1) Pháp luật quy định không cho phép xóa dữ liệu;
(2) Dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;
(3) Dữ liệu cá nhân đã được công khai theo quy định của pháp luật;
(4) Dữ liệu cá nhân được xử lý nhằm phục vụ yêu cầu pháp lý, nghiên cứu khoa học, thống kê theo quy định của pháp luật;
(5) Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;
(6) Ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trong đó, các nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm:
- Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người được giao làm công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình bảo vệ dữ liệu cá nhân và việc thực hiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hợp tác quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
(Điều 5 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
Theo Điều 8 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân:
- Xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
- Cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền.
- Lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.
Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |