06 nội dung thanh kiểm tra công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023

06 nội dung thanh kiểm tra công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023
Trần Thanh Rin

Cho tôi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thanh tra, kiểm tra các nội dung gì trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023? – Phương Thảo (Bình Thuận)

06 nội dung thanh kiểm tra công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023

06 nội dung thanh kiểm tra công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 28/7/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 3765/BGDĐT-TTr về việc hướng dẫn thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học và trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

06 nội dung thanh kiểm tra công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023

Theo đó, các khâu trong công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học và trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đều được thanh tra, kiểm tra; trong đó chú trọng tập trung vào các nội dung sau:

(1) Việc xây dựng, ban hành văn bản, quy định về công tác tuyển sinh

- Xây dựng, ban hành, công khai quy chế tuyển sinh, văn bản và hướng dẫn tuyển sinh, quy trình tuyển sinh, kết quả tuyển sinh theo từng phương thức, từng trình độ, ngành/nhóm ngành đào tạo của hai năm liền kề trước đó;

- Việc thành lập, phân công nhiệm vụ của Hội đồng tuyển sinh, các ban giúp việc của Hội đồng tuyển sinh;

- Thông báo tuyển sinh.

(2) Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh

- Xác định, phân bổ, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức tuyển sinh theo quy định. Chú ý việc xác định, đảm bảo các tiêu chí xác định chỉ tiêu; việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo trước Bộ GDĐT và xã hội theo quy định;

- Đối với các ngành đào tạo giáo viên và các cơ sở đào tạo đã được thông báo tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh thì thực hiện chỉ tiêu theo thông báo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

- Việc xác định và tuân thủ ngưỡng đảm bảo chất lượng, đặc biệt là ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

(3) Việc công bố, công khai đề án tuyển sinh

- Xây dựng, công bố, công khai đề án tuyển sinh, trong đó lưu ý các thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo được phép đào tạo, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp;

- Thông tin về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học; chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học;

- Kế hoạch tuyển sinh, đối tượng và điều kiện tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành, từng phương thức tuyển sinh và từng tổ hợp tuyển sinh, chương trình đào tạo; quy trình, thủ tục đăng ký dự tuyển và các thông tin cần thiết khác cho thí sinh;

- Các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo;

- Việc điều chỉnh Đề án tuyển sinh (nếu có).

(4) Việc tổ chức thi tuyển sinh

- Việc xây dựng, công khai quy chế thi, đề án tổ chức thi;

- Chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi; thành phần hội đồng thi, các ban hội đồng thi;

- Hình thức tổ chức thi (thi trên giấy, thi trên máy tính, thi khác....);

- Thực hiện quy định về ra đề thi, in, sao, bảo mật, giao, nhận, vận chuyển, bảo vệ đề thi;

- Thực hiện trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tham gia công tác tổ chức thi, những người có liên quan và thí sinh;

- Công tác chấm thi:

+ Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về Quy chế và các văn bản có liên quan cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác chấm thi;

+ Thực hiện quy trình về làm phách, bảo mật đầu phách, quản lý bài thi;

+ Thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Trưởng ban chấm thi, thư ký chấm thi, trưởng môn chấm, cán bộ chấm thi, cán bộ chấm kiểm tra và cán bộ có liên quan:

Phân công nhiệm vụ trong Ban chấm thi, thư ký, việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa thư ký với cán bộ chấm thi với trưởng môn chấm; Phối hợp giữa các lực lượng phục vụ, bảo vệ trong quá trình chấm thi; phương án xử lý các tình huống bất thường; việc thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm, đáp án, biểu điểm; số lượng bài chấm chung của từng môn chấm;

+ Thực hiện quy trình giao, nhận bài thi; quy trình chấm 2 vòng độc lập; việc bố trí cán bộ tại các phòng chấm thi; ghi thông tin vào phiếu chấm, thống nhất điểm bài thi, xử lý kết quả chấm thi, xử lý kết quả chấm kiểm tra; việc thực hiện quy trình chấm bài thi trắc nghiệm;

+ Thực hiện quy trình nhập điểm;

+Tổ chức chấm phúc khảo: Việc thành lập, bảo mật danh sách lãnh đạo và thành viên Ban chấm phúc khảo theo quy định; việc rút bài, rút phách, đánh lại phách, việc tổ chức chấm phúc khảo theo quy định.

(5) Công tác xét tuyển

- Việc thực hiện quy định về xét tuyển:

+ Thông báo xét tuyển về nội dung, thời gian và hình thức thông báo;

+ Tiếp nhận, rà soát hồ sơ, cập nhật, công bố thông tin xét tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng;

+ Phát, nhận hồ sơ xét tuyển: Thời gian phát, nhận hồ sơ, hình thức thu nhận, địa điểm thu nhận hồ sơ, các loại giấy tờ hợp lệ, hợp pháp xác nhận về kết quả học tập, diện ưu tiên, khuyến khích, bảo lưu, thời gian công tác, rà soát điều kiện về đầu vào tính hợp pháp của các loại chứng chỉ ngoại ngữ quy định;

+ Bảo lưu kết quả trúng tuyển; việc xây dựng kế hoạch xét tuyển thẳng, kế hoạch xét tuyển sớm đối với một số phương thức tuyển sinh riêng và kế hoạch xét tuyển các đợt bổ sung (nếu có);

+ Lệ phí xét tuyển.

- Việc xác định điểm trúng tuyển:

+ Quy trình xác định điểm trúng tuyển; việc thực hiện quy định nhân hệ số trong xét tuyển; đối tượng ưu tiên, cử tuyển trong tuyển sinh;

+ Công khai kết quả xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển;

+ In, gửi giấy báo trúng tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển.

(6) Việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển

- Việc yêu cầu các loại giấy tờ quy định bắt buộc và giấy tờ ưu tiên trong hồ sơ nhập học của thí sinh;

- Xử lý thí sinh nhập học muộn;

- Thực hiện kiểm tra hồ sơ của thí sinh trúng tuyển;

- Kiểm tra, giám sát, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, kiến nghị của thanh tra trong công tác tuyển sinh; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Thủ trưởng cơ sở đào đạo;

- Việc lưu trữ hồ sơ tuyển sinh.

Các yêu cầu đối với thanh kiểm tra công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023

Việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

- Tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời; thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng tuyển sinh, không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân tham gia công tác tuyển sinh.

- Hoạt động thanh tra, kiểm tra độc lập với đối tượng thanh tra, kiểm tra, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, nội dung quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

Xem thêm nội dung tại Công văn 3765/BGDĐT-TTr ngày 28/7/2023.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1267 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;