Theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP, không phải trường hợp nào cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ chứng thực bản sao từ bản chính cho người yêu cầu. Hiện có 06 trường hợp bản chính giấy tờ không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao.
Cụ thể là các trường hợp sau:
Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ;
Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung;
Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp;
Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân;
Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự;
Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ngoài các trường hợp kể trên, bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp và bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đều có thể được xuất trình để yêu cầu chứng thực. Thẩm quyền chứng thực được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Mục 1 Công văn 1352/HTQTCT-CT.
Việc chứng thực phải được thực hiện ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ.
Nội dung nêu trên căn cứ vào Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |