Bài viết dưới đây sẽ đề cập tới 05 nhiệm vụ trong Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.
05 nhiệm vụ trong Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030 (Hình từ Internet)
Ngày 24/12/2024, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1639/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.
Cụ thể, Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030 đã nêu ra 05 nhiệm vụ như sau:
(1) Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất chế phẩm, vật liệu sinh học xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường
+ Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, thiết bị xử lý chất thải sản xuất, chế biến nông lâm, thuỷ sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt ở quy mô công nghiệp, ưu tiên công nghệ thu hồi năng lượng, tuần hoàn tái chế chất thải;
+ Tiếp nhận, giải mã công nghệ mới, dây chuyền thiết bị từ các nước có nền công nghiệp sinh học tiên tiến trên thế giới để phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở quy mô công nghiệp.
- Phát triển doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất sản phẩm sinh học quy mô công nghiệp trong bảo vệ môi trường
+ Tập trung phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong nước để sản xuất các chế phẩm sinh học có khả năng cạnh tranh trong xử lý môi trường, ưu tiên công nghệ tuần hoàn chất thải;
+ Thúc đẩy doanh nghiệp tiếp nhận, làm chủ và phổ biến công nghệ sinh học hiện đại từ các nước tiên tiến trên thế giới trong xử lý chất thải ở quy mô công nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
(2) Tăng cường tiềm lực phục vụ phát triển công nghệ sinh học và thúc đẩy công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Đào tạo nguồn nhân lực
+ Đào tạo nguồn nhân lực khoa học đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng phục vụ phát triển công nghiệp sinh học trong bảo vệ môi trường. Ưu tiên đào tạo nâng cao và đào tạo lại thông qua các khóa tập huấn và đào tạo ngắn hạn đối với cán bộ khoa học thực hiện đề tài, dự án tại các cơ sở nghiên cứu; đào tạo các kỹ thuật viên về công nghệ sinh học để triển khai sản xuất sản phẩm sinh học quy mô công nghiệp ứng dụng trong bảo vệ môi trường;
+ Tổ chức, xây dựng đội ngũ chuyên gia về triển khai thị trường, quản trị doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong bảo vệ môi trường.
- Xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học, dây chuyền thiết bị trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Đầu tư chiều sâu, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho các phòng thí nghiệm theo hướng sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong xử lý môi trường;
+- Tổ chức hoạt động các đơn vị kết nối hỗ trợ doanh nghiệp và ứng dụng chuyển giao công nghệ; thực hiện chức năng phân tích, dịch vụ, hoàn thiện công nghệ, sản phẩm và đóng vai trò kết nối tổ chức doanh nghiệp, cá nhân khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất kinh doanh sản phẩm sinh học trong bảo vệ môi trường.
- Phát triển hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ sinh học trong lĩnh vực ứng dụng chế phẩm sinh học, dây chuyền thiết bị ứng dụng xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông lâm, thuỷ sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt ở quy mô công nghiệp.
(3) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Rà soát hiện trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ, từng bước hình thành công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
- Xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu phát triển, làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thu hút và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp sinh học trong bảo vệ môi trường;
- Tạo lập thị trường thông thoáng, thuận lợi, phát triển thêm các ngành công nghiệp phụ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp sinh học, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực môi trường.
(4) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Hợp tác với các nước phát triển trên thế giới trong việc chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ sinh học mới, tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất dây chuyền thiết bị, chế phẩm sinh học ứng dụng trong bảo vệ môi trường có thể sản xuất ở Việt Nam;
- Gửi cán bộ khoa học thực hiện đề tài, dự án đến các nước có nền công nghệ sinh học hiện đại phù hợp với hướng nghiên cứu của Đề án để đào tạo nâng cao ngắn hạn.
(5) Truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
- Thường xuyên phổ biến, cập nhật đến mọi người dân các kiến thức, thành tựu khoa học và công nghệ mới, nổi bật, có tính ứng dụng thực tiễn cao của công nghiệp sinh học trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chuyển giao công nghệ, giới thiệu mô hình công nghệ tới các thành phần liên quan;
Tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường để giới thiệu, tập huấn, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành về các sản phẩm, tiến bộ, kỹ thuật của công nghệ sinh học môi trường tạo cơ sở cho việc nâng cao ý thức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |