Sau đây là 04 trường hợp bên bán điện được phép ngừng cấp điện khi tổ chức vi phạm quy định của pháp luật được quy định trong Thông tư 04/2025/TT-BCT.
04 trường hợp bên bán điện được phép ngừng cấp điện khi tổ chức vi phạm quy định của pháp luật (Hình từ Internet)
Ngày 01/02/2025, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 04/2025/TT-BCT quy định trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 04/2025/TT-BCT thì bên bán điện được ngừng cấp điện khi tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
- Bên mua điện không thực hiện thanh toán tiền điện theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật Điện lực 2024 quy đinh về thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện,cụ thể:
+ Bên mua điện không trả tiền điện theo thỏa thuận tại hợp đồng và đã được bên bán điện thông báo về việc thanh toán tiền điện 02 lần cách nhau không dưới 03 ngày thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện.Thời điểm bên bán điện có quyền ngừng cấp điện do hai bên tự thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện nhưng không vượt quá 10 ngày kể từ ngày bên bán điện có thông báo đầu tiên.
+ Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra. Sau khi bên mua điện thanh toán tiền điện và thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực thì bên bán điện phải thực hiện cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực..
- Bên mua điện có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 4, 7, 8, 9 và khoản 11 Điều 9 của Luật Điện lực 2024 (Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện);
+ Trộm cắp điện.
+ Phá hoại phương tiện, trang thiết bị điện, công trình điện lực.
+ Vi phạm quy định về bảo vệ công trình điện lực, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
+ Trồng cây, khoan, đào, đắp, xây dựng công trình, khai thác khoáng sản, neo đậu tàu, thuyền, xả nước thải, chất ăn mòn, thả diều, vật bay và các hoạt động khác vi phạm quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.
+ Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Điện lực 2024.
+ Cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa chữa, cải tạo, khắc phục sự cố đối với công trình điện lực, kiểm tra, giám sát hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng cấp điện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.
- Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật khác và phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện theo quy định của luật đó.
Xem thêm tại Thông tư 04/2025/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2025. Các Thông tư 22/2020/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện, Thông tư 34/2011/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung cấp điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện, Thông tư 23/2020/TT-BCT quy định phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại hết hiệu lực thi hành từ ngày Thông tư 04/2025/TT-BCT có hiệu lực.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |