Chính sách quan trọng có hiệu lực từ giữa tháng 12/2021

Chính sách quan trọng có hiệu lực từ giữa tháng 12/2021
Bảo Ngọc

Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu đến quý khách hàng các chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 12/2021 (từ ngày 11 – 20/12/2021) sau đây:

Chính sách quan trọng có hiệu lực từ giữa tháng 12/2021

1. Phí thi tuyển, dự thi nâng ngạch công chức, viên chức mới nhất

Thông tư 92/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 15/12/2021.

Theo đó, quy định mức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức như sau:

- Nâng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương; thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, hạng III, hạng IV:

+ Dưới 100 thí sinh là 700.000 đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 100 - 500 thí sinh là 600.000 đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 500 thí sinh trở lên là 500.000 đồng/thí sinh/lần.

(So với Thông tư 228/2016/TT-BTC đã bổ sung mức thu phí dự thi thăng hạng viên chức hạng IV).

- Nâng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I:

+ Dưới 50 thí sinh là 1,4 triệu đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 100 - 500 thí sinh là 1,3 triệu đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 500 thí sinh trở lên là 1,2 triệu đồng/thí sinh/lần.

- Tuyển dụng (gồm thi tuyển, xét tuyển):

+ Dưới 100 thí sinh là 500.000 đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 100 - 500 thí sinh là 400.000 đồng/thí sinh/lần.

+ Từ 500 thí sinh trở lên là 300.000 đồng/thí sinh/lần.

Ngoài ra, mức thu phúc khảo thi tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là 150.000 đồng/bài thi.

2. Cá nhân được vận động, kêu gọi quyên góp từ thiện

Đây là nội dung mới tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện bao gồm:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập);

- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (khi được UBND cấp huyện ủy quyền theo quy định);

- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

- Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế.

- Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân.

- Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.

So với quy định hiện hành, bổ sung trường hợp cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được vận động, kêu gọi quyên góp từ thiện.

3. Nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi từ ngày 12/12/2021

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, chính thức có hiệu lực từ ngày 12/12/2021.

Theo đó, quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bao hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.

Hiện hành, Quyết định 21/2017/QĐ-TTg quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng.

Lưu ý: Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày 12/12/2021, hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định 21/2017/QĐ-TTg.

4. Giảm tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí cấp phép hoạt động khoáng sản

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 91/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 191/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và Thông tư 56/2018/TT-BTC về phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo đó, tổ chức thu phí được để lại 70% (thay cho mức hiện hành là 90%) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 30% (thay cho mức hiện hành là 10%) vào ngân sách nhà nước; trừ trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 191/2016/NĐ-CP.

Tiền phí được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP; trong đó:

Các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, bao gồm: Chi phí cho hoạt động kiểm tra thực địa khu vực thăm dò khoáng sản, kiểm tra, đánh giá và tổ chức họp thẩm định, họp Hội đồng thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản.

Thông tư 91/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2021.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

259 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;