Từ giữa tháng 12/2020 (từ ngày 11/12 - 20/12) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức; Quốc phòng; Bảo hiểm xã hội; Giáo dục và đào tạo,… có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể bao gồm:
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo đó, để hướng dẫn về việc kê khai tài sản, thu nhập hằng năm, tại Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP đã quy định những đối tượng sau đây thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm:
Các ngạch công chức và chức danh sau đây: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán;
Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này;
Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên.
So với trước đây, Nghị định 130/2020/NĐ-CP đã quy định bổ sung môt số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm bao gồm: kiểm toán viên, kiểm lâm viên; kiểm soát viên ngân hàng; kiểm soát viên thị trường; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế.
Chi tiết xem tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/12/2020.
Kiểm tra viên thuế phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm từ ngày 20/12 (Ảnh minh họa)
Mới đây, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 136/2020/TT-BQP hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng.
Theo đó, Điều 5 Thông tư 136/2020/TT-BQP quy định một số lưu ý trong giải quyết và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội của quân nhân trong Bộ Quốc phòng như sau:
Căn cứ để giải quyết hưởng các chế độ BHXH là Sổ BHXH thể hiện quá trình đóng BHXH thống nhất với cơ sở dữ liệu BHXH đã được quản lý tập trung tại BHXH Bộ Quốc phòng; mọi thông tin liên quan đến đóng, hưởng BHXH khi có thay đổi phải được cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý BHXH của BHXH BQP;
Khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH phải đối chiếu giữa sổ BHXH với cơ sở dữ liệu BHXH và hồ sơ hưởng BHXH. Trường hợp đã được giải quyết hưởng các chế độ BHXH mà việc điều chỉnh hưởng BHXH liên quan đến cơ sở dữ liệu BHXH thì phải điều chỉnh lại cơ sở dữ liệu trên hệ thống và sổ BHXH; căn cứ cơ sở dữ liệu và sổ BHXH đã được điều chỉnh để thực hiện việc điều chỉnh hưởng các chế độ BHXH theo quy định;
Trường hợp lập hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ BHXH chậm hơn so với thời hạn quy định, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ phải có văn bản giải trình nêu rõ lý do nộp chậm và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải trình;
…
Cho tiết xem tại Thông tư 136/2020/TT-BQP có hiệu lực ngày 12/12/2020.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Cách xếp lương của viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học từ 12/12 (Ảnh minh họa)
Theo đó, Điều 10 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
Chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Chi tiết xem tại Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 12/12/2020.
Ngày 28/10/2020, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư 29/2020/TT-BTTTT về việc hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin.
Theo đó, tại Điều 5 Thông tư 29/2020/TT-BTTTT quy định, viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin được áp dụng bảng lương như sau:
Chức danh an toàn thông tin hạng I (mã số V11.05.09), quản trị viên hệ thống hạng I (mã số V11.06.12), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng I (mã số V11.07.16), phát triển phần mềm hạng I (mã số V11.08.19) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) có 6 bậc, từ hệ số lương 6,20 đến 8,00;
Chức danh an toàn thông tin hạng II (mã số V11.05.10), quản trị viên hệ thống hạng II (mã số V11.06.13), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng II (mã số V11.07.17), phát triển phần mềm hạng II (mã số V11.08.20) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,40 đến 6,78;
Chức danh an toàn thông tin hạng III (mã số V11.05.11), quản trị viên hệ thống hạng III (mã số V11.06.14), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng III (mã số V11.07.18), phát triển phần mềm hạng III (mã số V11.08.21) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98;
…
Chi tiết xem tại Thông tư 29/2020/TT-BTTTT, có hiệu lực từ 12/12/2020.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |