Từ giữa tháng 02/2021 (từ ngày 11/02 - 20/02) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ; Bổ trợ tư pháp; Thương mại, đầu tư, chứng khoán;... có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể bao gồm:
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 23/2020/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Theo Điều 11 Thông tư 23/2020/TT-NHNN, công ty tài chính chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 01 (một) năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp và khi cấp tín dụng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Việc cấp tín dụng phải đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật;
Có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;
Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng và quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chi tiết xem tại Thông tư 23/2020/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 14/02/2021.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 11/2020/TT-BTP Quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành ngày 31/12/2020.
Theo quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BTP, thủ tục cấp mới thẻ đối với người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp từ ngày 01/01/2021 như sau:
- Người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp kèm theo 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 6 tháng gần nhất) để phục vụ việc cấp thẻ. Thời hạn ra quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Giám định tư pháp.
Quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp kèm theo hồ sơ được chuyển đến đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Sở Tư pháp.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp kèm theo hồ sơ nêu trên, Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện cấp thẻ giám định viên tư pháp; Giám đốc Sở Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cấp thẻ giám định viên tư pháp.
Xem chi tiết tại Thông tư 11/2020/TT-BTP, có hiệu lực từ 14/02/2021.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm:
Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;
Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam;
Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;
Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;
Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
Thời hạn đã được xác định trong giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;
Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam;
Thời hạn trong văn bản chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài trừ trường hợp không phải thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
Xem chi tiết tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/02/2021.
Ngày 31/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.
Theo đó, công ty chứng khoán khi thực hiện dịch vụ tài chính khác theo quy định tại khoản 5 Điều 86 Luật Chứng khoán phải có liên quan và phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng, của chính công ty chứng khoán và của thị trường.
Đồng thời, công ty chứng khoán không được cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, dịch vụ tư vấn chào bán, tư vấn niêm yết chứng khoán, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cho công ty mà mình nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ.
Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ việc cung cấp dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán nếu việc cung cấp dịch vụ đó trái với quy định pháp luật hoặc gây rủi ro hệ thống thị trường chứng khoán.
Chi tiết xem tại Thông tư 121/TT-BTC có hiệu lực từ 15/02/2021, thay thế Thông tư 210/2012/TT-BTC.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |