Từ giữa tháng 01/2021 (11/01 - 20/01) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực Trật tự an toàn xã hội; Lao động; Ngoại giao, điều ước quốc tế; Giáo dục;… có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể bao gồm:
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, chính thức có hiệu lực từ ngày 11/01/2021.
Theo đó, tại Điều 9 và Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ bao gồm:
Tết Nguyên đán;
Giỗ Tổ Hùng Vương;
Ngày Quốc khánh;
Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ;
Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
Kỉ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế;
Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
Ngày lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Lưu ý: Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ vào dịp Tết Nguyên đán; Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày Quốc khánh; Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; Ngày 30/4; Kỉ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định và phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức thực hiện.
Như vậy, dịp Tết Âm lịch 2021 này cũng như vào các dịp sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm,… người dân sẽ được phép đốt pháo hoa để ăn mừng.
Xem chi tiết tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 11/01/2021.
Ngày 26/11/2020, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 30/2020/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về phòng vệ thương mại, chính thức có hiệu lực ngày 15/01/2021.
Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ song phương theo EVFTA không được quá 02 năm
Theo đó, tại Điều 9 Thông tư 30/2020/TT-BCT quy định thời hạn điều tra áp dụng biện pháp tự vệ song phương theo EVFTA là 01 năm kể từ ngày Quyết định điều tra được ban hành. Biện pháp tự vệ song phương được áp dụng gồm:
Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định của Hiệp định; hoặc
Tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất thuế nhập khẩu cơ sở quy định tại các biểu thuế tại Phụ lục 2- A (Xoá bỏ thuế hải quan) theo Điều 2.7 (Giảm hoặc xoá bỏ thuế hải quan với hàng nhập khẩu) của Hiệp định, tùy mức thuế suất thuế nhập khẩu nào thấp hơn.
Đồng thời, cần lưu ý, thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ song phương không được vượt quá 02 năm. Trong trường hợp Cơ quan điều tra kết luận rằng cần tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ song phương để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước, thời hạn áp dụng có thể được kéo dài thêm tối đa 02 năm.
Xem chi tiết tại Thông tư 30/2020/TT-BCT, có hiệu lực từ 15/01/2021.
Mới đây, Bộ Giáo dục đào tạo đã ban hành Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT Ban hành Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông.
Theo đó, tại Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT đã quy định phương pháp giáo dục cụ thể đối với môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông như sau:
Khi dạy các bài học lý thuyết, giáo viên cần sử dụng phương pháp nêu vấn đề, tạo tình huống có vấn đề, giúp học sinh chủ động trong vận dụng những hiểu biết về kiến thức phổ thông trong các môn học, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới, phát huy tinh thần ham học, độc lập sáng tạo trong học tập, nghiên cứu;
Khi dạy các bài thực hành, giáo viên cần vận dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với làm động tác mẫu trên vũ khí, trang bị và các giáo cụ trực quan, công nghệ và phương tiện hỗ trợ trong giảng dạy, đặc biệt là công nghệ mô phỏng, phim video,... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người học và người dạy;
Cần tận dụng tối đa các phương tiện dạy học hiện đại, công nghệ số ứng dụng trong giảng dạy và hướng dẫn thực hành;
Cần coi trọng tổ chức hội thi, hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu giáo dục và điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương, lấy đây là một phương pháp giáo dục đặc thù của môn học.
Chi tiết xem tại Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 11/01/2021.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 34/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam.
Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam áp dụng từ ngày 15/01/2021
Theo đó, Quyết định 34/2020/QĐ-TTg đã ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam sử dụng trong công tác thống kê về lao động Việt Nam và làm cơ sở để quản lý lao động theo nghề. Danh mục nghề nghiệp Việt Nam gồm 05 cấp (Phụ lục I):
- Cấp 1: Cấp độ kỹ năng.
Cấp độ kỹ năng thể hiện độ khó, độ phức tạp trong việc thực hiện công việc.
- Cấp 2 đến cấp 5: Lĩnh vực chuyên môn.
Lĩnh vực chuyên môn bao gồm các chuyên môn tương ứng với lĩnh vực chuyên môn được đào tạo hoặc do kinh nghiệm có được trong việc thực hiện công việc.
Bên cạnh đó, tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 34/2020/QĐ-TTg quy định việc xây dựng danh mục nghề nghiệp Việt Nam phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
Bảo đảm tính đầy đủ: Phản ánh được tất cả các công việc trong hoạt động kinh tế xã hội ở nước ta trong một giai đoạn nhất định;
Bảo đảm tính kế thừa: Kế thừa những nghề đã áp dụng tốt trong Tổng điều tra Dân số và Nhà ở và các cuộc điều tra khác;
Bảo đảm tính khả thi: Nghề đó phải thu thập được số liệu trong thực tế;
Bảo đảm tính cập nhật: Cập nhật được các nghề mới phát sinh trong một khoảng thời gian nhất định;
Bảo đảm so sánh quốc tế.
Chi tiết xem thêm tại Quyết định 34/2020/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 15/01/2021.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |