Từ ngày 11/01/2020 đến 20/01/2020 sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, xã hội, nông nghiệp,…có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể gồm có:
1. Bãi bỏ quy định về kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT được ban hành ngày 26/11/2019.
Theo đó, sẽ bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên từ ngày 15/01/2020. Các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định tại Quyết định 30 vẫn có giá trị sử dụng.
Đối với các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày 15/01/2020 thì tiếp tục thực hiện việc đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.
Xem chi tiết tại Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 15/1/2020.
2. Phải cấp bằng cử nhân sư phạm trong vòng 30 ngày từ ngày công nhận tốt nghiệp
Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT về Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực từ 15/01/2020.
Theo đó, Thông tư này quy định thời hạn cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học như sau:
75 ngày đối với THCS và THPT kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp;
30 ngày đối với trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp;
30 ngày đối với cấp bằng thạc sĩ kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng;
30 ngày đối với cấp bằng tiến sĩ kể từ ngày có quyết định công nhận học vị tiến sĩ và cấp bằng.
Cũng theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT trong thời gian chờ cấp văn bằng, người học đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp được cơ sở giáo dục nơi đã theo học cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.
3. Thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện cấp huyện phải có từ 130.000.000 trở lên
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện có hiệu lực từ 15/01/2020.
Cụ thể, theo Nghị định này, muốn thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải đảm bảo điều kiện đóng góp thành lập quỹ. Đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:
Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng);
Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng);
Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng);
Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).
4. Thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ không cần ghi nhãn khi lưu thông
Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi có hiệu lực từ 14/1/2020.
Theo đó, Thông tư này quy định việc ghi nhãn thức ăn chăn nuôi như sau:
Nội dung ghi trên nhãn thức ăn chăn nuôi được quy định tại Phụ Lục II ban hành kèm theo Thông tư 21;
Thức ăn chăn nuôi là hàng rời khi lưu thông phải có tài liệu kèm theo, trừ trường hợp thức ăn chăn nuôi truyền thống chưa qua chế biến và bán trực tiếp cho người chăn nuôi;
Thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng, thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ có bao bì khi lưu thông không phải ghi nhãn nhưng phải có dấu hiệu trên bao bì để nhận biết, tránh nhầm lẫn và có tài liệu kèm theo theo quy định;
Thức ăn chăn nuôi chứa thuốc thú y có thành phần kháng sinh để phòng, trị bệnh cho vật nuôi phải ghi đủ các thông tin về tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành.
Chi tiết các nội dung xem tại phụ lục ban hành kèm Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |