Từ đầu tháng 9/2021 (từ ngày 01/9 – 10/9) sẽ có những chính sách quan trọng về Đất đai; Bảo hiểm; Giáo dục; Xây dựng nhà ở, đô thị… có hiệu lực thi hành, đơn cử như:
1. Sửa quy định về các trường hợp chuyển mục đích SDĐ không phải xin phép
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung 09 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.
Theo đó, khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2021 đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT như sau:
Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:
- Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
- Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
- Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
- Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
- Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang các loại đất khác thuộc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp. (Hiện hành quy định là chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ).
Như vậy, theo quy định mới thì chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải xin phép cơ quan nhà nước.
2. Các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc mới nhất năm 2021
Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.
Theo đó, khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021 quy định Từ ngày 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH. Cụ thể:
(1) Mức lương theo công việc hoặc chức danh:
- Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo Điều 93 Bộ luật Lao động.
- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
(2) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
(3) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
3. Hình thức đánh giá đối với các môn học cấp 2, 3
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, có hiệu lực từ ngày 05/9/2021.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 22/2021 quy định hình thức đánh giá đối với các môn học như sau:
- Đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp;
Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.
(Hiện hành, đánh giá bằng nhận xét áp dụng đối với các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục).
- Đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông, trừ các môn học quy định đánh giá bằng nhận xét;
Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.
Điểm đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.
4. Các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo đó, tại Điều 5 Nghị định 69/2021 quy định nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định tại Nghị định này bao gồm:
(1) Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định.
(2) Nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
- Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính và có một trong các yếu tố sau: hệ thống phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng…
(3) Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính gồm: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ tại mục (2) nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo khoản 2 Điều 110 Luật Nhà ở.
Nghị định 69/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |