Từ đầu tháng 8/2021 (từ ngày 01/8 – 10/8) sẽ có những chính sách quan trọng về Thuế, phí, lệ phí; Cán bộ, công chức, viên chức; Tài chính; Giáo dục, đào tạo,… có hiệu lực thi hành, đơn cử như:
1. Bổ sung phương pháp tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh
Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế với hộ, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.
Theo đó, Điều 5 Thông tư 40/2021 hướng dẫn hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai như sau:
- Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng.
Trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì được lựa chọn khai thuế theo quý (áp dụng theo nguyên tắc của doanh nghiệp).
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.
Lưu ý: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu cơ quan thuế đã quản lý thuế theo phương pháp khoán trước thời điểm 01/8/2021 và không có yêu cầu chuyển đổi phương pháp tính thuế thì tiếp tục nộp thuế theo phương pháp khoán đến hết kỳ tính thuế năm 2021.
2. Chính thức bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức hành chính, văn thư
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 02/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/8/2021, không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức hành chính, văn thư.
Mặt khác, Thông tư 02 chỉ quy định công chức hành chính phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ như sau:
- Tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam đối với ngạch Chuyên viên cao cấp.
- Tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam đối với ngạch Chuyên viên chính, Chuyên viên.
Hiện nay, tại Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 14/2014/TT-BNV yêu cầu công chức hành chính, văn thư phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định.
3. Khung giá nước sinh hoạt áp dụng từ ngày 05/8/2021
Thông tư 44/2021/TT-BTC quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 05/8/2021.
Theo đó, giá nước sạch sinh hoạt cao nhất là 18.000 đồng/m3 ở các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 và 11.000 đồng/m3 ở khu vực nông thôn.
Cụ thể, khung giá nước sinh hoạt được quy định như sau:
- Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1:
+ Giá tối thiểu: 3.500 đồng/m3
+ Giá tối đa: 18.000 đồng/m3
- Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5:
+ Giá tối thiểu: 3.000 đồng/m3
+ Giá tối đa: 15.000 đồng/m3
- Khu vực nông thôn:
+ Giá tối thiểu: 2.000 đồng/m3
+ Giá tối đa: 11.000 đồng/m3
(Khung giá trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, áp dụng cho mức giá bán lẻ nước sạch bình quân do UBND tỉnh quyết định).
4. Yêu cầu với đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình giáo dục ĐH
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 07/8/2021.
Theo đó, chuẩn chương trình phải quy định những yêu cầu tối thiểu về số lượng, cơ cấu, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ để tổ chức giảng dạy và hỗ trợ người học nhằm đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, cụ thể như sau:
- Đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình đại học, chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7:
+ Giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trợ giảng có trình độ đại học trở lên;
+ Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo;
+ Có ít nhất 05 tiến sĩ có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình , trong đó mỗi thành phần của chương trình phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy;
+ Có đủ số lượng giảng viên để đảm bảo tỉ lệ sinh viên trên giảng viên không vượt quá mức quy định cho từng lĩnh vực, nhóm ngành hoặc ngành đào tạo.
- Đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình thạc sĩ:
+ Giảng viên có trình độ tiến sĩ;
+ Có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo;
+ Có giảng viên cơ hữu với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy đối với từng môn học, học phần của chương trình;
+ Có đủ người hướng dẫn để đảm bảo tỉ lệ tối đa 05 học viên trên một người hướng dẫn.
- Đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình tiến sĩ:
+ Giảng viên có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư; hoặc có trình độ tiến sĩ với năng lực nghiên cứu tốt;
+ Có ít nhất 01 giáo sư (hoặc 02 phó giáo sư) ngành phù hợp và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu;
+ Có đủ người hướng dẫn để đảm bảo tỉ lệ tối đa 07 nghiên cứu sinh/giáo sư, 05 nghiên cứu sinh/phó giáo sư và 03 nghiên cứu sinh/ tiến sĩ.
Lưu ý: Chuẩn chương trình cho các ngành, nhóm ngành quy định yêu cầu cụ thể về đội ngũ giảng viên không thấp hơn các quy định nêu trên.Yêu cầu cụ thể về tỉ lệ người học trên giảng viên; yêu cầu về đội ngũ nhân lực hỗ trợ đào tạo (nếu cần thiết), phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực, nhóm ngành hoặc ngành đào tạo.
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |