Một số chính sách quan trọng về y tế và lâm nghiệp sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 6/2019, cụ thể gồm có.
1. Phá hủy công trình bảo vệ rừng bị xử phạt đến 25 triệu đồng
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
Nghị định 35 nêu rõ phạt tiền từ 10.000.000 - 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đập phá bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, chòi canh lửa rừng, nhà làm việc, tài sản, phương tiện dùng trong việc tuần tra bảo vệ rừng; làm hư hỏng các công trình khác phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ngoài ra văn bản còn quy định mức xử phạt đối với một số hành vi đáng chú ý khác như:
Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Viết, vẽ, xóa các thông tin, hình ảnh trên các biển báo, biển cảnh báo, bảng tuyên truyền bảo vệ rừng;
Phạt tiền từ 1.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi tháo dỡ biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng;
Phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Đào phá đường lâm nghiệp, đường tuần tra bảo vệ rừng; phá đường ranh cản lửa, kênh, mương, cống, đập ngăn nước, bể, hồ chứa nước phòng cháy và chữa cháy rừng; phá hàng rào, cọc mốc ranh giới khu rừng, tiểu khu, khoảnh và lô rừng.
Xem nội dung chi tiết xem tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/6/2019.
2. Ban hành 3 Quy chuẩn quốc gia đối với thiết bị X-quang dùng trong y tế
Ngày 15/11/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 14/2018/TT-BKHCN về 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị X-quang dùng trong y tế.
Theo đó, kèm theo Thông tư 14 là 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị X-quang dùng trong y tế, bao gồm:
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị X-quang di động dùng trong y tế: QCVN 15:2018/BKHCN;
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị X-quang tăng sáng truyền hình dùng trong y tế: QCVN 16:2018/BKHCN;
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị X-quang răng dùng trong y tế: QCVN 17:2018/BKHCN.
Xem đầy đủ nội dung 03 Quy chuẩn nêu trên tại Thông tư 14/2018/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 01/6/2019.
3. Điều kiện bổ nhiệm giám định viên tư pháp pháp y
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BYT quy định về cơ quan, tổ chức thực hiện, nội dung, thời gian đào tạo để cấp chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y, pháp y tâm thần.
Theo đó, chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y và đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y tâm thần là một trong những điều kiện để bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y và pháp y tâm thần theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Người đã có văn bằng đúng chuyên ngành về Pháp y, Pháp y Tâm thần hoặc chứng chỉ đào tạo ngắn hạn đúng chuyên ngành về pháp y, pháp y tâm thần với thời gian tối thiểu từ đủ 03 tháng trở lên trước ngày 01/6/2019 mà chưa được bổ nhiệm giám định viên Pháp Y hoặc Pháp y tâm thần thì không phải qua đào tạo để cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định pháp y, pháp y tâm thần.
Chi tiết xem tại Thông tư 06/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/6/2019.
4. Loại bỏ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 1186/QĐ-BNN-BVTV năm 2019 về loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, loại bỏ ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đối với các thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate bao gồm:
Dicamba 3% + Glyphosate 17%;
Glyphosate (min 95%);
Glyphosate IPA salt 360g/l + Metsulfuron methyl 15g/l;
Glyphosate IPA salt 480g/l + Metsulfuron methyl 5g/l;
Glyphosate 37.8% + Oxyfluorfen 2.2%;
Glyphosate ammonium (min 95.5%);
Glyphosate trimesium;
Glyphosate dimethylamine;
Glyphosate potassium salt (min 95%).
Xem chi tiết Danh mục các loại thuốc tại Quyết định 1186/QĐ-BNN-BVTV có hiệu lực từ ngày 09/6/2019.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |