Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu đến quý khách hàng các chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 12/2021 (từ ngày 01/12 – 10/12/2021) sau đây:
1. Quy định mới về chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức
Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ ngày 10/12/2021.
Theo đó, quy định về chứng chỉ chương trình bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng được giao thực hiện.
- Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng. (Quy định mới)
- Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng và mẫu chứng chỉ.
Hiện hành, có quy định chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm:
- Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức;
- Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý;
- Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành
Như vậy, so với hiện hành, Nghị định 89/2021 không liệt kê các chứng chỉ chương trình bồi dưỡng công chức, viên chức.
2. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN
Đây là nội dung tại Thông tư 87/2021/TT-BTC quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước (KBNN) có hiệu lực từ ngày 01/12/2021.
Cụ thể, hợp đồng điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN có giá trị là bản gốc khi được thực hiện một trong các biện pháp sau:
- Hợp đồng điện tử được ký số bởi tất cả các bên tham gia hợp đồng.
- Hệ thống thông tin có biện pháp bảo đảm toàn vẹn hợp đồng điện tử trong quá trình truyền nhận, lưu trữ trên hệ thống;
Ghi nhận các bên tham gia hợp đồng và áp dụng một trong các biện pháp sau để xác thực các bên tham gia hợp đồng: xác thực bằng chữ ký số, xác thực bằng sinh trắc học, xác thực từ hai yếu tố trở lên trong đó có yếu tố là mã xác thực dùng một lần hoặc mã xác thực ngẫu nhiên.
- Biện pháp khác mà các bên tham gia hợp đồng thống nhất lựa chọn, bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, tính xác thực, tính chống chối bỏ, phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử.
Các bên đã ký kết hợp đồng điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN thì không phải ký kết hợp đồng tương ứng bằng bản giấy.
3. Tiêu chuẩn đối với người ra nước ngoài học tập bằng nguồn NSNN
Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, có hiệu lực từ ngày 01/12/2021.
Theo đó, quy định tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập theo học bổng ngân sách nhà nước như sau:
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
- Không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng và đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình học bổng;
- Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử đi học (đối với trường hợp có cơ quan công tác);
- Đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và là Đảng viên).
4. Các hình thức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo trong CAND
Bộ Công an ban hành Thông tư 98/2021/TT-BCA quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân.
Theo đó, quy định 03 hình thức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo trong CAND gồm:
(1) Tiếp công dân thường xuyên:
- Công an các cấp tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình theo giờ hành chính vào các ngày làm việc trong tuần;
- Thanh tra Bộ, Thanh tra đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Thanh tra Công an cấp tỉnh bố trí lãnh đạo, cán bộ thanh tra tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình
(2) Tiếp công dân định kỳ:
Đơn cử như Bộ trưởng Bộ Công an định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an.
(3) Tiếp công dân đột xuất:
Thủ trưởng Công an các cấp ngoài việc tiếp công dân định kỳ, phải tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau:
- Vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;
- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự hoặc gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe công dân;
- Tiếp công dân theo yêu cầu của cấp trên.
Thông tư 98/2021/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 03/12/2021
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |