Chính sách quan trọng có hiệu lực từ cuối tháng 9/2019 (từ 21/9 – 30/9)

Từ cuối tháng 9/2019 (từ ngày 21/9/2019 - 30/9/2019) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực tiền lương, viên chức, doanh nghiệp,… có hiệu lực, các chính sách cụ thể gồm có:

 

1. Bổ nhiệm, xếp lương giảng viên, giáo viên nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp được ban hành ngày 12/8/2019.

Cụ thể, theo nội dung tại Thông tư này, việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp giảng viên giáo dục nghề nghiệp, giáo viên giáo dục nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.

Đồng thời, khi chuyển xếp từ chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp giảng viên giáo dục nghề nghiệp, giáo viên giáo dục nghề nghiệp tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Ngoài ra, Thông tư này cũng hướng dẫn chi tiết về việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp giảng viên giáo dục nghề nghiệp và giáo viên giáo dục nghề nghiệp.

Xem chi tiết tại: Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/9/2019.

2. Tiêu chuẩn mới đối với chức danh Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo

Thông tư 10/2019/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2019.

Theo đó, công chức, viên chức được xem xét bổ nhiệm giữ chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng GDĐT khi có thời gian đảm nhiệm chức vụ phó trưởng phòng GDĐT hoặc tương đương; hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc tương đương và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh trưởng phòng hoặc tương đương.

Đồng thời, những công chức, viên chức này cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung sau đây:

  • Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
  • Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Có thời gian công tác trong ngành giáo dục ít nhất 05 năm;

3. Bãi bỏ hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng

Ngày 15/8/2019, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng  đã ban hành Thông tư 129/2019/TT-BQP bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng.

Theo đó, Thông tư 129 đã bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, liên tịch ban hành, đơn cử:

  • Thông tư liên tịch 182/2007/TTLT-BQP-BCA-BGDĐTBNV hướng dẫn thực hiện Nghị định 116/2007/NĐ-CP;
  • Thông tư 30/2007/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Quyết định 203/2006/QĐ-TTg;
  • Thông tư 03/2008/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 150/2007/NĐ-CP;
  • Thông tư 131/2013/TT-BQP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cục Quân báo - Trinh sát thuộc Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng;
  • Thông tư 1691/TT-QP hướng dẫn thực hiện Nghị định 47/CP;
  • Thông tư liên tịch 03/TTLT-BQP-BCA hướng dẫn về quan hệ phối hợp trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
  • Thông tư 148/2012/TT-BQP ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ vì Trường Sa thân yêu;

Xem thêm tại: Thông tư 129/2019/TT-BQP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2019.

4. Lao động trong DNNVV được miễn chi phí đào tạo khi tham gia khóa đào tạo nghề

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 49/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát tiển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành ngày 08/8/2019.

Theo đó, lao động làm việc trong DNNVV đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 39/2018/NĐ-CP khi tham gia khóa đào tạo nghề được miễn chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/người/khóa học; mỗi người một lần.

Các chi phí còn lại để tham gia khóa đào tạo nghề do DNNVV và người lao động thỏa thuận, bao gồm:

  • Phần chênh lệch trong trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức quy định nêu trên;
  • Tiền ăn, đi lại và các chi phí khác phát sinh khi học viên tham gia khóa đào tạo.

Xem thêm các nội dung tại: Thông tư 49/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành ngày 23/9/2019.

673 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;