Chính sách quan trọng có hiệu lực từ cuối tháng 12/2020 (21/12 – 31/12)

Từ cuối tháng 12/2020 (21/12 – 31/12) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực Cán bộ - công chức - viên chức, Giáo dục, Hình sự, Doanh nghiệp,… có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể gồm có:

1. Chưa tăng lương cơ sở cho CBCCVC trong năm 2021

Ngày 12/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo đó, khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 128/2020/QH14 quy định trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó bao gồm:

  • Thực hiện loại trừ một số; khoản thu theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Nghị quyết 86/2019/QH14 khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để cải cách tiền lương; đồng thời, loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

  • Đối với những địa phương đã có cam kết đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương và chính sách an sinh xã hội đến hết năm 2020, trường hợp dự toán năm 2021 thiếu nguồn, sẽ được ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện chính sách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo các chế độ quy định.

Xem chi tiết tại: Nghị quyết 128/2020/QH14, có hiệu lực từ 27/12/2020.

/chưa tăng lương cơ sở năm 2021, Nghị quyết 128/2020/QH14

Chưa tăng lương cơ sở cho CBCCVC trong năm 2021 (Ảnh minh họa)

2. 07 điều kiện đối với đề tài tham gia xét Giải thưởng KHCN của sinh viên đại học

Đây là nội dung quan trọng được đề cập tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 45/2020/TT-BGDĐT về ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, Điều 4 của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 45/2020/TT-BGDĐT quy định sinh viên tham gia xét Giải thưởng KHCN vào năm 2021 phải có đề tài đáp ứng 07 điều kiện sau:

  • Mỗi đề tài do 01 sinh viên chịu trách nhiệm thực hiện chính, số lượng thành viên tham gia không quá 05 sinh viên và tối đa có 02 người hướng dẫn, trong đó có 01 người hướng dẫn chính;

  • Sản phẩm của đề tài được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 01 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng;

  • Đề tài được cơ sở giáo dục đại học tổ chức đánh giá, lựa chọn gửi tham gia xét Giải thưởng;

  • Đề tài chưa nhận hoặc chưa gửi tham gia bất kỳ Giải thưởng cấp Bộ hoặc tương đương trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ;

  • Khóa luận, đồ án tốt nghiệp không được gửi tham gia xét Giải thưởng;

  • Công trình, đề tài tham gia xét giải thưởng đảm bảo trung thực trong nghiên cứu khoa học;

  • Tính đến thời điểm xét tặng Giải thưởng, tác giả/tập thể tác giả không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

Xem chi tiết tại: Thông tư 45/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 11/2017/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 28/12/2020.

3. Phạm nhân được giáo dục về Hiến pháp, Hình sự, Dân sự, Lao động trong thời gian THAHS

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Tại đây, phạm nhân được phổ biến pháp luật, giáo dục công dân; phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật.

phạm nhân học hiến pháp, Nghị định 133/2020/NĐ-CP

Phạm nhân được giáo dục về Hiến pháp, Hình sự, Dân sự, Lao động trong thời gian THAHS (Ảnh minh họa)

Theo đó, Điều 12 quy định các cơ sở trại giam phải xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân theo các giai đoạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân. Cụ thể:

Sau khi biên chế về các đội (tổ), phạm nhân được phổ biến, học tập: Các quy định về chính sách hình sự của Việt Nam; tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, miễn chấp hành án phạt tù; một số nội dung cơ bản của Hiến pháp, Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng miễn dịch ở người, Luật Giáo dục nghề nghiệp,... và một số nội dung, giá trị đạo đức, kỹ năng sống. Thời gian học tập, phổ biến bố trí 01 ngày/tuần.

Xem chi tiết tại: Nghị định 133/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 117/2011/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/12/2020.

4. 15 loại quyết định, văn bản cần VKS kiểm sát khi giải quyết vụ việc phá sản

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 436/QĐ-VKSTC ban hành Quy định về quy trình kiểm sát việc giải quyết phá sản.

Theo đó, Điều 3 của Quy định về quy trình kiểm sát việc giải quyết phá sản (ban hành kèm theo Quyết định 436/QĐ-VKSTC) ghi nhận trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc phá sản, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát 15 loại quyết định, văn bản sau:

  • Quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

  • Quyết định giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kiến nghị đối với quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

  • Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

  • Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản;

  • Quyết định giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản;

  • Nghị quyết Hội nghị chủ nợ;

  • Quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ;

  • Quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;

  • Quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định đình chỉ thủ tục phá sản;

  • Quyết định công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

  • Quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh;

  • Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

  • Quyết định giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

  • Quyết định tách tài sản đang tranh chấp trong vụ việc phá sản thành vụ án khác;

  • Các văn bản, quyết định khác của Tòa án giải quyết phá sản.

Xem chi tiết tại: Quyết định 436/QĐ-VKSTC, có hiệu lực từ ngày 24/12/2020.

573 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;