Chính sách quan trọng có hiệu lực từ cuối tháng 01/2021 (21/01 - 31/01)

Từ cuối tháng 01/2021 (từ ngày 21/01 - 31/01) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực: Xuất nhập khẩu, Giáo dục, Khiếu nại tố cáo, Giao thông vận tải,... có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể bao gồm:

1. Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế từ 22/01/2021 đến 31/12/2021

Thông tư 44/2020/TT-BCT quy định về tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch có hiệu lực từ 22/01/2021.

Theo đó, Bộ Công thương ban hành danh mục mặt hàng tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất kèm theo Thông tư 44/2020/TT-BCT bao gồm:

  • Mã hàng 3926, 4015, 4015: Găng tay y tế;

  • Mã hàng 6210: Bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày);

  • Mã hàng 6307, 6307: Khẩu trang y tế.

Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập trước ngày Thông tư 44/2020/TT-BCT có hiệu lực (ngày 22/01/2021) được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định hiện hành.

Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế, Thông tư 44/2020/TT-BCT

Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế từ 22/01/2021 đến 31/12/2021 (Ảnh minh họa)

2. Điều kiện xét cử tuyển vào đại học đối với sinh viên dân tộc thiểu số từ 2021

Nghị định 141/2020/NĐ-CP Quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có hiệu lực từ 23/01/2021.

Theo đó, đối tượng dân tộc thiểu số được hưởng chế độ cử tuyển bao gồm:

  • Người dân tộc thiểu số rất ít người;

  • Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Để được hưởng chế độ cử tuyển vào đại học, các đối tượng trên cần đáp ứng các điều kiện theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 6 Nghị định 141/2020/NĐ-CP như sau:

  • Thường trú từ 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này;

  • Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển;

  • Không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành;

  • Tốt nghiệp trung học phổ thông;

  • Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt;

  • Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên;

  • Có thời gian học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

3. Xử lý khi người tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ

Thông tư 129/2020/TT-BCA quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ 22/01/2021.

Theo đó, khoản 1 Điều 25 Luật tố cáo 2018 quy định khi nhận được thông tin tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

Tuy nhiên, theo nội dung hướng dẫn mới nhất tại Điều 7 Thông tư 129/2020/TT-BCA thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo vẫn tổ chức kiểm tra thông tin về người bị tố cáo, hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được nêu trong nội dung tố cáo và các thông tin khác có liên quan, nếu có tài liệu cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm và có cơ sở để xác minh thì tiến hành kiểm tra hoặc thanh tra đột xuất phục vụ công tác quản lý. Trường hợp không có tài liệu cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật hoặc không có cơ sở để xác minh thì không xem xét, xử lý.

Xử lý khi người tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ, Thông tư 129/2020/TT-BCA

Xử lý khi người tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ (Ảnh minh họa)

4. Thẻ BHYT đối với đối tượng tham gia BHYT thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng

Thông tư 143/2020/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được ban hành ngày 08/12/2020.

Theo đó, thẻ BHYT đối với đối tượng tham gia BHYT thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được quy định như sau:

  • Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư 143/2020/TT-BQP thuộc Bộ Quốc phòng quản lý theo mẫu, mã thẻ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định;

  • Tham gia bảo hiểm y tế liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

Chi tiết các nội dung xem thêm tại: Thông tư 143/2020/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 21/01/2021.

644 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;