Quy định về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ từ 15/8/2024; Định kỳ thực hiện phân loại nợ của tổ chức tín dụng là hợp tác xã từ 15/8/2024; Điều kiện thành lập phòng giao dịch ngân hàng thương mại từ 15/8/2024… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 8/2024 (từ ngày 11 - 20/8/2024).
Ngày 25/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2024/NĐ-CP quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Theo đó tại Nghị định 68/2024/NĐ-CP đã quy định như sau:
Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ cung cấp bao gồm:
- Tạo và phân phối các cặp khóa.
- Cấp chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Gia hạn chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Thay đổi nội dung thông tin của chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Thu hồi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật.
- Công bố và duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Kiểm tra chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ trực tuyến.
- Cấp dấu thời gian.
Ngày 30/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 36/2024/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
Cụ thể, tại Điều 4 Thông tư 36/2024/TT-NHNN thì định kỳ thực hiện phân loại nợ của tổ chức tín dụng là hợp tác xã được thực hiện như sau:
- Ít nhất mỗi tháng một lần, trong 07 (bảy) ngày đầu tiên của tháng, tổ chức tín dụng là hợp tác xã căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 1, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Thông tư 36/2024/TT-NHNN để tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề.
Ngoài thời điểm phân loại nêu trên, tổ chức tín dụng là hợp tác xã được tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ.
- Căn cứ kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và thông tin tín dụng có liên quan:
+ Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) có quyền yêu cầu ngân hàng hợp tác xã thực hiện việc đánh giá, phân loại lại các khoản nợ cụ thể phù hợp với mức độ rủi ro của các khoản nợ đó;
+ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền yêu cầu đơn vị trực thuộc của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân thực hiện việc đánh giá, phân loại lại các khoản nợ cụ thể phù hợp với mức độ rủi ro của các khoản nợ đó.
Ngày 30/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 32/2024/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại.
Căn cứ Điều 11 Thông tư 32/2024/TT-NHNN, để được thành lập phòng giao dịch, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Các điều kiện theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, m khoản 1 Điều 6 Thông tư 32/2024/TT-NHNN.
- Trường hợp đề nghị thành lập phòng giao dịch ở địa bàn không phải vùng nông thôn, ngân hàng thương mại phải được xếp hạng A, B theo kết quả xếp hạng do Ngân hàng Nhà nước thông báo gần nhất tại thời điểm đề nghị và tại thời điểm chấp thuận (trừ trường hợp không thuộc đối tượng xếp hạng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
- Chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch phải đáp ứng các điều kiện:
+ Có thời gian hoạt động tối thiểu 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị;
+ Có tỷ lệ nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại tài sản có tại thời điểm 31 tháng 12 năm trước liền kề năm đề nghị và tại ngày cuối cùng của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;
+ Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bằng hình thức phạt tiền trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị;
+ Có chênh lệch thu chi của năm trước liền kề năm đề nghị dương.
- Đáp ứng yêu cầu về số lượng phòng giao dịch được thành lập theo quy định tại Điều 7 và Điều 12 Thông tư 32/2024/TT-NHNN.
Ngày 30/7/2024, Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định 497/QĐ-UBDT về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung và hiệu chỉnh tên huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn; thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Quyết định 497/QĐ-UBDT năm 2024, thực hiện phê duyệt điều chỉnh, công nhận và bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn đã được phê duyệt tại Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cụ thể như sau:
- Điều chỉnh 440 thôn của 163 xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn do sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số hoặc đã giải thể theo các Nghị quyết, Quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
(Danh sách các thôn tại phụ lục I kèm theo Quyết định 497/QĐ-UBDT năm 2024).
- Bổ sung 141 thôn của 98 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn do chia tách, sáp nhập, thành lập mới theo các Nghị quyết, Quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
(Danh sách các thôn tại phụ lục II kèm theo Quyết định 497/QĐ-UBDT năm 2024).
- Hiệu chỉnh tên huyện, xã, thôn đã được phê duyệt tại Quyết định 612/QĐ-UBDT
(Danh sách các huyện, xã, thôn tại phụ lục III kèm theo Quyết định 497/QĐ-UBDT năm 2024).
- Phê duyệt 755 thôn của 460 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025
(Danh sách các thôn tại phụ lục IV kèm theo Quyết định 497/QĐ-UBDT năm 2024).
- Việc áp dụng các chế độ, chính sách đối với các thôn phê duyệt điều chỉnh, bổ sung của Quyết định này thực hiện theo quy định Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp kinh phí tăng thêm thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (nếu có) thực hiện theo quy định tại Quyết định 127/QĐ-TTg ngày 24/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022-2025.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |