Hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong một số trường hợp cụ thể; Quy định về mã số Thẻ thanh tra từ ngày 15/6/2024;...là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 06/2024 (từ ngày 11 – 20/06/2024)
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP ngày 24/4/2024 hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ ngày 18/6/2024.
Theo đó, tại Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong một số trường hợp cụ thể như sau:
- Trường hợp người phạm tội thực hiện công việc bắt buộc phải tuân theo quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người nhưng trong quá trình thực hiện họ vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người xảy ra cháy và gây thiệt hại thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Ví dụ: A được B thuê hàn mái nhà các phòng Karaoke. Trong quá trình hàn, A không trang bị tấm chắn tia kim loại nóng chảy bắn ra, đồng thời không theo dõi quá trình hàn một cách an toàn nên khi các hạt kim loại nóng mang nhiệt độ cao bắn ra xung quanh đã hình thành các đám cháy lớn gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng. Hành vi của A đã vi phạm quy định tại Mục 2.2.12 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2011/BLĐTBXH ngày 29/7/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về an toàn lao động đối với máy hàn điện và công việc hàn điện. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
- Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội, nếu mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số thiệt hại của các lần phạm tội, còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội từ 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 27/2024/TT-BTC ngày 03/5/2024 quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương, có hiệu lực từ ngày 17/6/2024.
Theo đó, phương thức thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương như sau:
- Việc chuyển đổi vị trí công tác là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan.
- Định kỳ hằng năm, cấp ủy và người đứng đầu cơ quan phải ban hành, công khai kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.
Việc rà soát, xây dựng kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện trong Quý I hằng năm.
- Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan trong phạm vi quản lý của chính quyền địa phương.
- Đối với cơ quan chỉ có một vị trí trong danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung.
Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 05/2024/TT-TTCP ngày 26/4/2024 quy định về mẫu Thẻ thanh tra và việc cấp, quản lý, sử dụng Thẻ thanh tra, có hiệu lực từ ngày 15/6/2024.
Theo đó. mã số Thẻ thanh tra được quy định như sau:
- Khi được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên, mỗi Thanh tra viên được cấp một mã số Thẻ thanh tra gồm:
+ Chữ cái in hoa và hai chữ số để phân biệt cơ quan sử dụng Thanh tra viên thuộc tỉnh hoặc thuộc Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban cơ yếu Chính phủ. Mã số Thẻ thanh tra được thực hiện theo quy định của Bộ Nội vụ về Danh mục mã số các cơ quan nhà nước.
+ Số thứ tự Thanh tra viên có 04 chữ số, bắt đầu từ 0001.
Ví dụ: Mã số thẻ là A29 - 0026 thì A29 là mã số của cơ quan thanh tra Chính phủ; 0026 là số thứ tự cấp thẻ của Thanh tra viên.
- Mã số Thẻ thanh tra chỉ thay đổi (được cấp mã số mới) trong trường hợp Thanh tra viên chuyển công tác sang cơ quan khác không cùng mã số với cơ quan sử dụng Thanh tra viên.
Đây là nội dung tại Thông tư 01/2024/TT-TANDTC ngày 11/4/2024 quy định về công tác thi đua, khen thưởng của Toà án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/6/2024.
Theo đó, hình thức tổ chức thi đua của Tòa án nhân dân như sau:
- Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Đối tượng thi đua thường xuyên là những cá nhân trong một tập thể; những tập thể trong cùng một cơ quan, đơn vị; những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc giống nhau hoặc gần giống nhau.
Tổ chức thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị hoặc theo cụm thi đua để xây dựng kế hoạch, phát động, ký kết giao ước và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Kết thúc năm công tác, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Trưởng cụm thi đua tiến hành tổng kết phong trào thi đua, xét tặng hoặc đề nghị xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
- Thi đua theo chuyên đề là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong khoảng thời gian nhất định hoặc tổ chức thi đua để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của cơ quan, đơn vị.
Cơ quan, đơn vị chỉ phát động thi đua theo chuyên đề khi đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp và thời gian thực hiện. Khi tổ chức phong trào thi đua theo chuyên đề trong phạm vi cơ quan, đơn vị thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị hướng dẫn xét khen thưởng theo thẩm quyền. Đối với phong trào thi đua theo chuyên đề trong phạm vi Tòa án nhân dân có thời gian từ 03 năm trở lên, Tòa án nhân dân tối cao gửi kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua về Bộ Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) để tổng hợp và hướng dẫn xét khen thưởng.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |