Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu đến quý khách hàng các chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 02/2022 (từ ngày 11 – 20/02/2022) sau đây:
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 02/2022 (Ảnh minh họa)
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GDĐT và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương, chính thức có hiệu lực từ 14/02/2022.
Theo đó, thời hạn định kỳ chuyển đổi công tác với công chức giáo dục không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức giáo dục như sau:
- Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 03 năm đến 05 năm (không bao gồm thời gian tập sự của công chức, viên chức).
(Hiện hành quy định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác với công chức, viên chức giáo dục là 05 năm (đủ 60 tháng)).
Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Các đơn vị ban hành danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi căn cứ quy định trên để xác định thời hạn định kỳ chuyển đổi đối với từng vị trí công tác cụ thể.
Như vậy, từ ngày 14/02/2022, thời hạn định kỳ chuyển đổi công tác với công chức, viên chức giáo dục là từ đủ 03 năm đến 05 năm (không bao gồm thời gian tập sự của công chức, viên chức) thay vì đủ 5 năm như quy định hiện hành.
Thông tư 50/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh tại các trường THCS và THPT, có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
Theo đó, từ ngày 15/02/2022, hồ sơ chuyển trường với học sinh THCS, THPT bao gồm:
- Đơn xin chuyển trường do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký.
- Học bạ (bản chính).
- Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp đầu cấp trung học phổ thông quy định cụ thể loại hình trường được tuyển (công lập hoặc tư thục).
- Giấy giới thiệu chuyển trường do Hiệu trưởng nhà trường nơi đi cấp.
- Giấy giới thiệu chuyển trường do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở); Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) nơi đi cấp (trường hợp xin chuyển đến từ tỉnh, thành phố khác).
So với hiện hành, hồ sơ chuyển trường với học sinh THCS, THPT đã loại bỏ các loại giấy tờ sau:
- Bằng tốt nghiệp cấp học dưới (bản công chứng).
- Bản sao giấy khai sinh.
- Các giấy tờ hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích trong học tập, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp (nếu có).
- Hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận tạm trú dài hạn hoặc quyết định điều động công tác của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ tại nơi sẽ chuyển đến với những học sinh chuyển nơi cư trú đến từ tỉnh, thành phố khác.
- Giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi học sinh cư trú với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình.
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
Theo đó, điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (gọi chung là thương binh) quy định tại khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng như sau:
- Địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng được xác định theo quy định tại Phụ lục III Nghị định 131/2021. (So với hiện hành, bổ sung địa bàn địch chiếm đóng).
- Địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn là địa bàn có điều kiện tự nhiên hiểm trở, khắc nghiệt, khó khăn dễ xảy ra tai nạn, bao gồm các địa bàn theo Phụ lục IV Nghị định 131/2021. (So với hiện hành, bổ sung địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo).
- Trực tiếp phục vụ chiến đấu là thực hiện nhiệm vụ lúc trận đánh đang diễn ra hoặc khi địch đang bắn phá: cứu thương, tải thương, tải đạn, đảm bảo thông tin liên lạc, bảo vệ hàng hóa, các trường hợp đảm bảo chiến đấu.
- Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm là trực tiếp thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giao nhằm điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội hoặc ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội...
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục, có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
Theo đó, bổ sung điều kiện về tổ chức nhóm trẻ độc lập (lớp trông trẻ tại nhà) từ ngày 15/02/2022 như sau:
- Với nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07 trẻ em:
+ Mỗi nhóm trẻ có không quá 01 trẻ em khuyết tật. (Nội dung mới bổ sung)
+ Một người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tối đa 02 trẻ em từ 03 - 12 tháng tuổi hoặc tối đa 03 trẻ em từ 12 - 36 tháng tuổi.
- Với nhóm trẻ độc lập quy mô trên 07 trẻ em, số lượng trẻ em tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau:
+ Nhóm trẻ từ 03 - 12 tháng tuổi: 12 trẻ em.
+ Nhóm trẻ từ 13 - 24 tháng tuổi: 20 trẻ em.
+ Nhóm trẻ từ 25 - 36 tháng tuổi: 25 trẻ em.
Mỗi nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo có không quá 01 trẻ em khuyết tật học hòa nhập. (Nội dung mới bổ sung)
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |