Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 01/2023

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 01/2023
Võ Ngọc Nhi

Bổ sung các loại giấy tờ có giá được sử dụng trong nghiệp vụ thị trường tiền tệ, Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực BHXH, BHTN, Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm….là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 01/2023 (từ ngày 10 – 20/01/2023).

1. Bổ sung các loại giấy tờ có giá được sử dụng trong nghiệp vụ thị trường tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 16/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 quy định về lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá.

Theo đó, các loại giấy tờ có giá được sử dụng trong nghiệp vụ thị trường tiền tệ gồm:

- Nghiệp vụ thị trường mở;

- Nghiệp vụ tái cấp vốn:

+ Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

+ Chiết khấu giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

+ Các hình thức tái cấp vốn khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

- Cầm cố giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức thấu chi và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng;

- Cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức nợ ròng trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; (Nội dung mới bổ sung)

- Cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức thanh toán tập trung; (Nội dung mới bổ sung)

- Cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức bù trừ điện tử qua Hệ thống bù trừ điện tử; (Nội dung mới bổ sung)

(So với Thông tư 04/2016/TT-NHNN sửa đổi bởi Thông tư 23/2019/TT-NHNN, quy định “Ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức nợ ròng trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, tham gia Hệ thống BTĐT”)

- Cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thực hiện các nghiệp vụ khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

Thông tư 16/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/01/2023.

2. Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực BHXH, BHTN

Bộ trưởng BLĐTBXH ban hành Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/11/2022 quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực BHXH, BHTN.

Theo đó, thời hạn giám định tư pháp BHXH, BHTN được quy định đơn cử như:

- Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc nhận được quyết định trưng cầu giám định và đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật nêu tại quyết định trưng cầu giám định.

- Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo thời hạn được ghi trong quyết định trưng cầu của người trưng cầu giám định.

- Thời hạn giám định tư pháp tối đa đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH với từng loại việc giám định như sau:

+ Giám định các nội dung liên quan đến thu bảo hiểm xã hội, thu bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng;

+ Giám định các nội dung liên quan đến giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thời hạn giám định tối đa là 02 tháng;

+ Giám định các nội dung liên quan đến chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng;

+ Giám định các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời hạn giám định tối đa là 03 tháng;

+ Đối với trường hợp giám định theo vụ việc có từ 02 nội dung giám định khác nhau trở lên thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 3 Điều 17 Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH hoặc có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

- Trong trường hợp cần thiết, cá nhân người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có văn bản đề nghị cơ quan trưng cầu giám định gia hạn theo thẩm quyền.

Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10/01/2023.

3. Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm

Chính phủ ban hành Nghị định 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Theo đó, các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

- Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan;

- Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;

- Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;

- Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là đăng ký thay đổi); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là xóa đăng ký) đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 4 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.

(Tại Nghị định 102/2017/NĐ-CP, quy định các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; Thế chấp tàu biển)

Nghị định 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2023 thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

4. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong nông nghiệp Việt Nam từ ngày 16/01/2023

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT ngày 02/12/2022 về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

Cụ thể, danh mục thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp Việt Nam gồm:

- Thuốc trừ sâu: 689 hoạt chất với 1670 tên thương phẩm.

(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, 660 hoạt chất với 1563 tên thương phẩm)

- Thuốc trừ bệnh: 651 hoạt chất với 1492 tên thương phẩm.

(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, 617 hoạt chất với 1377 tên thương phẩm)

- Thuốc trừ cỏ: 256 hoạt chất với 765 tên thương phẩm.

(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, 245 hoạt chất với 698 tên thương phẩm)

- Thuốc trừ chuột: 8 hoạt chất với 37 tên thương phẩm.

(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT,  09 hoạt chất với 36 tên thương phẩm)

- Thuốc điều hòa sinh trưởng: 58 hoạt chất với 172 tên thương phẩm.

(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, 53 hoạt chất với 158 tên thương phẩm)

- Chất dẫn dụ côn trùng: 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ ốc: 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm.

(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm)

- Chất hỗ trợ (chất trải): 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm.

Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 16/01/2023 thay thế Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT.

683 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;