Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 9/2024

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 9/2024
Tấn Đại

Tiêu chuẩn xét thăng hạng viên chức chuyên ngành y, dược từ hạng II lên hạng I; Chi phí thực hiện công tác chi trả trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; Hướng dẫn khiếu nại, tố cáo về việc bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố; Hướng dẫn kê khai và nộp phí khi khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 9/2024 (từ ngày 01 - 10/9/2024).

1. Tiêu chuẩn xét thăng hạng viên chức chuyên ngành y, dược từ hạng II lên hạng I

Ngày 12/7/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 11/2024/TT-BYT quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BYT thì viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Bác sĩ cao cấp (hạng I), Bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I), Y tế công cộng cao cấp (hạng I), Dược sĩ cao cấp (hạng I) phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BYT và trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng II đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động như sau:

- Được bổ nhiệm chức danh Giáo sư hoặc Phó giáo sư chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng;

- Đạt danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”;

- Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc;

- Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì trở lên;

- Chủ nhiệm hoặc thành viên tham gia chính ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên;

- Chủ trì hoặc thành viên tham gia chính ít nhất 01 đề án hoặc 01 hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực công tác được cấp bộ, cấp tỉnh ban hành;

- Chủ nhiệm ít nhất 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên.

Xem thêm chi tiết tại Thông tư 11/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

2. Chi phí thực hiện công tác chi trả trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội

Ngày 17/07/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 50/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư 76/2021/TT-BTC hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo đó, chi phí thực hiện công tác chi trả trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội được sửa đổi tại Thông tư 50/2024/TT-BTC như sau:

- Chi văn phòng phẩm, in ấn, phô tô tài liệu, biểu mẫu, thông báo, chi phí thuê địa điểm chi trả, nước uống cho người thụ hưởng tại địa điểm chi trả và các chi phí cần thiết khác phục vụ việc chi trả chế độ cho các đối tượng bảo trợ xã hội: Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và quy định của pháp luật về đấu thầu;

- Chi phí vận chuyển tiền mặt, chi phí chuyển tiền cho người thụ hưởng chính sách, hỗ trợ chi phí làm thẻ ATM cho người thụ hưởng có yêu cầu thanh toán qua ngân hàng, chi phí thuê lực lượng bảo vệ tại địa điểm chi trả (nếu cần thiết): Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và quy định của pháp luật về đấu thầu;

- Chi làm đêm, thêm giờ: Thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

- Trường hợp thực hiện chi trả trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả: Mức chi phí chi trả được xác định theo tỷ lệ % trên tổng số tiền chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tùy theo điều kiện địa bàn và thực tế số lượng đối tượng bảo trợ xã hội của từng địa phương.

Xem thêm chi tiết tại Thông tư 50/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

3. Hướng dẫn khiếu nại, tố cáo về việc bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố

Ngày 18/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Theo đó việc khiếu nại, tố cáo về việc bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố được sửa đổi tại Nghị định 93/2024/NĐ-CP như sau:

- Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về việc bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; bị đưa vào danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc bị trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và việc đưa vào danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

- Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an và Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc là các đầu mối tiếp nhận khiếu nại, tố cáo và trả lời kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân bị trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; bị đưa vào danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố theo quy định tại Nghị định 122/2013/NĐ-CP.

Xem thêm chi tiết tại Nghị định 93/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/9/2024.

4. Hướng dẫn kê khai và nộp phí khi khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

Ngày 07/8/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ.

Theo đó, việc kê khai và nộp phí khi khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ được quy định tại Điều 4 Thông tư 47/2024/TT-BTC như sau:

- Người nộp phí thực hiện nộp phí khi đề nghị cung cấp thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ, nộp phí cho tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

- Chậm nhất là ngày 05 hằng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC (tiền phí do tổ chức thu phí thuộc Trung ương quản lý thu nộp vào ngân sách trung ương, tiền phí do tổ chức thu phí thuộc địa phương quản lý thu nộp vào ngân sách địa phương).

Xem thêm chi tiết tại Thông tư 47/2024/TT-BTC có hiệu lực từ 01/9/2024.

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;