Sửa điều kiện về xe tập lái của cơ sở đào tạo lái xe ô tô; quy định mức chi quản lý BHXH, BHYT; chế độ báo cáo về tình hình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 11/2022 (từ ngày 01 – 10/11/2022).
1. Mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022-2024
Nội dung đề cập tại Quyết định 19/2022/QĐ-TTg về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024, có hiệu lực từ ngày 10/11/2022.
Theo đó, mức chi phí quản lý BHXH (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 09/2021/UBTVQH15.
Mức chi phí quản lý BHYT theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 3,5% tiền đóng bảo hiểm y tế, được trích từ quỹ bảo hiểm y tế;
Trong đó, năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%.
Dự toán chi phí quản lý bảo hiểm y tế hằng năm được xác định theo mức chi phí quy định tại khoản này tính trên dự toán thu tiền đóng bảo hiểm y tế hằng năm.
2. Chế độ báo cáo về tình hình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 01/11/2022.
Theo đó, hướng dẫn chế độ báo cáo định kỳ như sau:
- Đơn vị sự nghiệp công thực hiện chế độ tự chủ tài chính định kỳ hàng năm phải báo cáo kết quả thực hiện chế độ tự chủ tài chính cho cơ quan quản lý cấp trên (các bộ, cơ quan trung ương hoặc UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện theo phân cấp quản lý) để tổng hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Nghị định 60/2021/NĐ-CP trước ngày 28/02 năm sau (theo Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư 56/2022).
- Các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại khoản 5 Điều 36 và khoản 5 Điều 37 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 31/3 của năm sau (theo Phụ lục số 7 ban hành kèm theo Thông tư 56/2022).
- Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan trung ương và của địa phương để phục vụ cho công tác quản lý và báo cáo Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
- Trong trường hợp Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ có quy định cụ thể về thời hạn gửi báo cáo thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.
- Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ hàng năm quy định tại Thông tư 56/2022 là tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/01 của năm sau.
3. Điều kiện về xe tập lái của cơ sở đào tạo lái xe ô tô
Nghị định 70/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ, có hiệu lực từ ngày 01/11/2022.
Trong đó, Nghị định 70/2022/NĐ-CP có sửa đổi điều kiện liên quan đến xe tập lái của cơ sở đào tạo lái xe ô tô (được quy định tại Nghị định 65/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 138/2018/NĐ-CP).
Cụ thể, thay đổi điều kiện về xe tập lái như sau:
- Có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái;
Trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để đào tạo lái xe nhưng không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái;
- Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, so với hiện hành thì Nghị định 70/2022/NĐ-CP cũng đã bỏ điều kiện về xe tập lái tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP.
4. Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án BOT giao thông
Thông tư 22/2022/TT-BGTVT hướng dẫn nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao thuộc lĩnh vực giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 01/11/2022.
Trong đó, có hướng dẫn về khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Đơn cử, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu có tính đến yếu tố rủi ro và lạm phát được xác định theo công thức như sau:
i = iv + f
Trong đó:
i: chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư;
iv: lãi vay huy động vốn đầu tư, được xác định trên cơ sở tham khảo lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của ít nhất 03 ngân hàng thương mại; lãi suất vốn vay của dự án tương tự để làm cơ sở lập phương án tài chính trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi (nếu có).
Lãi vay huy động vốn đầu tư được xác định tại thời điểm gần nhất trong vòng 03 tháng trước thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi;
f: tỷ lệ lạm phát, được xác định trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng CPI trung bình của 10 năm gần nhất theo công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam và có xem xét loại trừ các năm có CPI biến động lớn.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |