Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 03/2024

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 03/2024
Trần Thanh Rin

Điều kiện công trình điện được chuyển giao sang EVN từ 01/3/2024; Chế độ, chính sách của người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành;... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 03/2024 (từ ngày 01 – 10/03/2024).

1. Điều kiện công trình điện được chuyển giao sang EVN từ 01/3/2024

Chính phủ ban hành Nghị định 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Cụ thể, các công trình điện được chuyển giao sang EVN từ 01/3/2024 phải đáp ứng các điều kiện như sau:

(1) Công trình điện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 1 Nghị định 02/2024/NĐ-CP được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định tại Chương II Nghị định 02/2024/NĐ-CP phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh tại thời điểm xây dựng hoặc tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao (đối với công trình điện quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định 02/2024/NĐ-CP);

- Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;

- Công trình điện đang vận hành (đang được sử dụng để phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) bình thường tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;

- Công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào khác.

Đối với công trình điện quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 02/2024/NĐ-CP đáp ứng quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định 02/2024/NĐ-CP mà không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b, điểm c khoản này nhưng đơn vị điện lực xác định có thể thực hiện cải tạo, sửa chữa để tiếp tục vận hành thì được xác định đủ điều kiện chuyển giao.

(2) Công trình điện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị định 02/2024/NĐ-CP được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định tại Chương III Nghị định 02/2024/NĐ-CP phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại (1) và phải có khả năng cấp điện hoặc phát triển cấp điện cho các tổ chức, hộ dân tại địa phương.

(3) Công trình điện quy định tại điểm e khoản 2 Điều 1 Nghị định 02/2024/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện chuyển giao theo quy định tại Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

Xem thêm tại Nghị định 02/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.

2. Chế độ, chính sách của người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

Ngày 11/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Theo đó, những người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành sẽ được đảm bảo các chế độ, chính sách như sau:

- Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra; được cấp trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

- Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được hưởng chế độ bồi dưỡng tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Mức bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là 80.000 đồng/ngày.

Chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được áp dụng đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh thì thực hiện theo cơ chế tài chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Việc lập, chấp hành, kế toán và quyết toán kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nghị định 03/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.

3. Hình thức kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường từ 03/03/2024

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 01/2024/TT-BKHCN ngày 18/01/2024 quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Cụ thể, các hình thức kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường từ 03/03/2024 bao gồm:

- Kiểm tra theo kế hoạch hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt

+ Xây dựng kế hoạch kiểm tra:

Hằng năm, cơ quan kiểm tra căn cứ yêu cầu quản lý, diễn biến tình hình chất lượng sản phẩm hàng hóa, đánh giá tình hình tuân thủ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kết quả kiểm tra kỳ trước; tình hình kinh phí và chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên để xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

+ Đối với những cơ sở đã được phê duyệt trong kế hoạch hằng năm, căn cứ tình hình thực tế hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý, trường hợp cơ quan kiểm tra không kiểm tra tại cơ sở thì gửi công văn đến cơ sở được kiểm tra yêu cầu báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến sản phẩm hàng hóa do cơ sở đang kinh doanh. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa thông qua các báo cáo của cơ sở được kiểm tra thì cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất theo quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.

- Kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 4 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.

Thông tư 01/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 03/3/2024.

4. Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ 01/3/2024

Ngày 30/11/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Theo đó, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ 01/3/2024 được quy định như sau:

- Khoảng cách đường bay dưới 500 km:

+ Nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội: Mức tối đa là 1.600.000 đồng/vé một chiều.

+ Nhóm đường bay khác dưới 500 km: Mức tối đa là 1.700.000 đồng/vé một chiều.

- Khoảng cách đường bay từ 500 km đến dưới 850 km: Mức tối đa là 2.250.000 đồng/vé một chiều.

- Khoảng cách đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km: Mức tối đa là 2.890.000 đồng/vé một chiều.

- Khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km: Mức tối đa là 3.400.000 đồng/vé một chiều.

- Khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên: Mức tối đa là 4.000.000 đồng/vé một chiều.

Lưu ý: Mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 01 vé máy bay, trừ các khoản thu sau:

- Thuế giá trị gia tăng;

- Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm:

+ Giá phục vụ hành khách;

+ Giá đảm bảo an ninh hành khách;

+ Hành lý;

- Khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm.

Xem thêm tại Thông tư 34/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.

334 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;