Hướng dẫn lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Danh mục vị trí việc làm viên chức chuyên ngành KH&CN công lập từ ngày 25/9/2023;...là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 9/2023 (từ ngày 21 - 30/9/2023).
Đây là nội dung tại Thông tư 52/2023/TT-BTC ngày 08/8/2023 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 23/9/2023.
Theo đó, việc lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
- Vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, căn cứ văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch hỗ trợ DNNVV của cơ quan chức năng: các cơ quan, tổ chức xây dựng dự toán thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV;
Trong đó xác định cụ thể phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Thông tư 52/2023/TT-BTC, tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan, tổ chức để trình cấp có thẩm quyền tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của DNNVV để tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp chung nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV (bao gồm cả hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của DNNVV) chi tiết theo từng lĩnh vực chi ngân sách nhà nước và số hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho từng địa phương chưa cân đối được ngân sách nhà nước (nếu có), gửi Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách trung ương năm kế hoạch, nhu cầu ngân sách nhà nước hỗ trợ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Bộ Tài chính thông báo mức dự kiến ngân sách trung ương hỗ trợ DNNVV năm kế hoạch chi tiết theo từng lĩnh vực chi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. .
Trên cơ sở thông báo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án phân bổ kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và từng địa phương chi tiết theo từng lĩnh vực chi ngân sách nhà nước gửi lại Bộ Tài chính tổng hợp vào phương án phân bổ dự toán ngân sách trung ương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Xem thêm Thông tư 52/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 23/9/2023 và thay thế Thông tư 49/2019/TT-BTC, Thông tư 54/2019/TT-BTC.
Nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Giáo dục là nội dung tại Thông tư 15/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 28/9/2023.
Cụ thể, nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Giáo dục như sau:
- Vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Giáo dục được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định 62/2020/NĐ-CP:
+ Tuân thủ các quy định của Đảng, của pháp luật về vị trí việc làm, quản lý, sử dụng biên chế công chức.
+ Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức.
+ Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức với sử dụng và quản lý biên chế công chức.
+ Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn.
+ Gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức.
- Căn cứ xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Giáo dục thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 62/2020/NĐ-CP:
+ Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;
+ Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Việc xác định vị trí việc làm bảo đảm không tăng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 09/8/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 17/2023/TT-BKHCN hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành khoa học và công nghệ, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, có hiệu lực từ ngày 25/9/2023,
Theo đó, danh mục vị trí việc làm viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ công lập như sau:
- Nghiên cứu viên cao cấp: Nghiên cứu viên cao cấp (hạng I);
- Nghiên cứu viên chính: Nghiên cứu viên chính (hạng II);
- Nghiên cứu viên: Nghiên cứu viên (hạng III);
- Trợ lý nghiên cứu: Trợ lý nghiên cứu (hạng IV);
- Kỹ sư cao cấp: Kỹ sư cao cấp (hạng I);
- Kỹ sư chính: Kỹ sư chính (hạng II);
- Kỹ sư: Kỹ sư (hạng III);
- Kỹ thuật viên: Kỹ thuật viên (hạng IV);
- Đánh giá sự phù hợp hạng I: Kỹ sư cao cấp (hạng I) hoặc tương đương;
- Đánh giá sự phù hợp hạng II: Kỹ sư chính (hạng II) hoặc tương đương;
- Đánh giá sự phù hợp hạng III: Kỹ sư (hạng III) hoặc tương đương;
- Năng suất, chất lượng hạng I: Nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) hoặc tương đương;
- Năng suất, chất lượng hạng II: Nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc tương đương;
- Năng suất, chất lượng hạng III: Nghiên cứu viên (hạng III) hoặc tương đương;
- Sở hữu trí tuệ hạng II: Chuyên viên chính hoặc tương đương;
- Sở hữu trí tuệ hạng III: Chuyên viên hoặc tương đương.
4. Thông tư 04/2023/TT-BNNPTNT về Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 29/9/2023.
5. Thông tư 16/2023/TT-BKHCN hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành khoa học và công nghệ trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ có hiệu lực từ ngày 25/9/2023.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |